Dân Việt

Chùm ngây có giá đắt ngang thịt là cây thế nào?

Zing 20/08/2014 06:42 GMT+7
Chùm ngây, hay còn gọi là cây ba đậu dại, trước kia mọc hoang ở nhiều nơi như Thanh Hóa, Ninh Thuận, Bình Thuận, vùng Bảy Núi ở An Giang, đảo Phú Quốc… Tuy nhiên, gần đây giống cây này được gieo trồng có chủ định và bán với giá, từ 70.000 đến 100.000 đồng/kg.

Cây chùm ngây ở tuổi trưởng thành mọc cao hàng chục mét. Thân cây óng chuốt, không có gai. Lá kép dài 30 - 60 cm, hình lông chim, màu xanh mốc.

Được biết, lá chùm ngây còn chứa nhiều dưỡng chất hơn cả quả và hoa, tính theo trọng lượng, trong đó vitamin C hơn cam 7 lần, vitamin A hơn cà rốt 4 lần, canxi gấp 4 lần sữa, sắt gấp 3 lần cải bó xôi, đạm nhiều gấp đôi sữa chua và potassium gấp 3 lần trái chuối.

Chị An ở Bình Chánh cho biết, chùm ngây sinh trưởng phát triển tốt, ít khi sâu bệnh. Sau 3 tháng tuổi cây đã bắt đầu cho thu hoạch. Khi cây cao 60 cm thì cắt ngọn và tỉa cành thúc đẩy cây đâm chồi.

Sau 6 tháng tuổi, cây cao khoảng 2 mét, là thời gian bắt đầu thu hoạch chính, trung bình mỗi cây có thể cho từ 500 đến 900gram lá tươi/tháng. Nếu chỉ trồng 5.000 cây/ ha (2m2/cây), sau 6 tháng có thể thu hoạch trung bình 2.500kg lá/ha/tháng.

Được bán với giá 100.000đồng/kg, người bán sẽ có thu nhập ròng tại vườn của người trồng cây chùm ngây ít nhất sẽ là 20 triệu đồng/tháng. "Không như các loại rau khác, chị hái được 1- 3 lứa/vụ, cây chùm ngây chỉ trồng một lần và bán cả năm. Tuổi đời của cây chùm ngây khá lâu nên được coi là loại rau kinh tế bậc nhất”, chị An chia sẻ.

Hiện tại, chùm ngây được xem là một trong những loài cây hữu dụng bậc nhất thế giới, do toàn bộ các phần trên cây chùm ngây đều có thể được dùng làm thức ăn hoặc phục vụ cho các mục đích khác nhau; nên chùm ngây hiện đang được khuyến khích trồng ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là những nước nghèo.