Dân Việt

“Lùm xùm” tác quyền đêm nhạc Khánh Ly: Kỳ kèo bớt một thêm hai

Bồng Sơn 12/08/2014 21:18 GMT+7
Đại diện đơn vị tổ chức đêm nhạc Khánh Ly vừa diễn ra tại Hà Nội (2.8) và Đà Nẵng (8.8) đã có buổi trả lời mọi thắc mắc của giới truyền thông vào chiều 12.8 về việc không thể thỏa thuận về phí tác quyền các ca khúc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gây ồn ào trong suốt thời gian qua.

Bắt nguồn từ đêm nhạc đầu tiên tại quê nhà sau bao năm xa cách của nữ danh ca Khánh Ly diễn ra vào ngày 9.5 ở Hà Nội, đại diện đơn vị tổ chức là ông Nguyễn Ngọc Sơn (công ty TNHH giải trí Đồng Dao) nhận thấy không hợp lý về phí tác quyền sau khi đã thanh toán hơn 262 triệu đồng (bao gồm VAT) cho Trung tâm Bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc (VCPMC do nhạc sĩ Phó Đức Phương làm giám đốc) nên vào đêm nhạc Khánh Ly lần thứ 2 tại Hà Nội (2.8) đơn vị tổ chức đã từ chối thanh toán số tiền mà trung tâm đưa ra (170 triệu đồng -pv).

Chính vì lẽ đó nhạc sĩ Phó Đức Phương đã đến tận nơi “đòi nợ” và cho biết, ông sẵn sàng lên sân khấu để tố cáo BTC trước khán giả. Câu chuyện lại càng căng thẳng hơn khi một lần nữa, nhạc sĩ họ Phó tiếp tục cất công vào Đà Nẵng và màn tranh luận về “tiền” lại tiếp tục diễn ra dù đã giờ diễn đã cận kề.

Điều đáng nói, BTC cũng cung cấp thông tin rằng, số tiền đã thanh toán cho đêm nhạc diễn ra vào ngày 9.5 đáng lý ra phải gần 500 triệu đồng nhưng sau khi trả giá thì còn lại số tiền như trên đã đưa và sự việc này do chính nhạc sĩ Hồ Hoài Anh là người đồng hành để đàm phán giá. Bên cạnh đó, ông Sơn cũng đã nói thêm: “Nhiều đơn vị tổ chức show cho tôi không có show nào mà lại đóng phí tác quyền cao như vậy. Mọi người nói tôi phá giá”.

Vì thế, sau show diễn vào ngày 19.5, ông Sơn đã tìm hiểu và cho rằng số tiền cho đêm nhạc ngày 2.8 là không hợp lý và đã cử nhân viên đến Trung tâm đóng tiền vào ngày 1.8 với giá 1,5 triệu đồng/ ca khúc nhưng bị từ chối.

img

Ông Sơn (Đồng dao –bên trái), tiến sĩ – luật sư Nguyễn Ngọc Sơn (bên phải) 

Hiện nay khung giá phí tác quyền âm nhạc vẫn chưa có quy định rõ ràng về biểu phí nên chuyện giá cả còn tùy vào tính chất chương trình, lẫn mối quan hệ giữa đơn vị tổ chức và nhạc sĩ.

Bà Trịnh Vĩnh Trinh được cho là người đại diện hợp pháp cho 7 người đồng thừa kế tài sản mà cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để lại đã ủy quyền cho VCPMC thực hiện theo quy định hiện hành. Đơn vị tổ chức đã yêu cầu giấy ủy quyền phải có đủ chủ ký của 7 người đồng thừa kế nhưng nhạc sĩ Phó Đức Phương chỉ cung cấp được 3 chữ ký.

 

Lẽ dĩ nhiên, nhạc sĩ Phó Đức Phương cứ đòi tiền nhưng đơn vị tổ chức nhất quyết không thanh toán với giá tiền chạm tới mức 7,5 triệu đồng/ ca khúc mà yêu cầu chỉ đóng số tiền tác quyền như ở các chương trình khác: Như cánh vạc bay (2011), Chương trình dư âm (2013) chỉ dao động từ 500.000 nghìn đến 1 triệu đồng. Vì giá vé của đêm nhạc Khánh Ly mắc hơn các chương trình khác nên bên đơn vị tổ chức sẽ đóng giá gấp đôi.

Ngoài ra, ông Sơn cho biết vì VCPMC đã có tiền lệ đóng tiền phải “trả giá”, ví như đêm nhạc Đoàn Chuẩn – Phạm Duy, VCPMC thông báo thu 88 triệu nhưng sau đó xuống giá còn 22 triệu đồng. Vì thế, câu chuyện phí tác quyền cho các tác phẩm nghệ thuật chúng ta bị xem như mua rau ngoài chợ, thuận mua thì vừa bán.

Nhưng, điều đáng nói ở đây, cả hai đều không có sự đồng nhất về giá cả, hay nói cách khác “Tại sao người kia đóng tiền thấp còn tôi lại cao?”. Bên cạnh đó, đơn vị tổ chức cũng đã trình bày về thái độ của nhạc sĩ Phó Đức Phương dành cho họ như “tổng sỉ vả”, không văn minh, văn hóa, đe dọa, áp đặt, thiếu tôn trọng nên cả hai phía đều không thể trình bày, chia sẻ để bàn thảo các chi phí.

Tiến sĩ, luật sư Nguyễn Ngọc Sơn: “ Nếu nhạc sĩ Phó Đức Phương muốn nói về vấn đề giá thì có thể ngồi xuống nói chuyện tử tế với nhau nhưng chưa kịp giới thiệu đã tổng sỉ vả, chỉ trỏ vào mặt xỉa xói rằng chúng tôi vi phạm pháp luật".

Trải qua hơn một giờ đồng hồ thuật lại chi tiết cuộc tranh cãi nảy lửa giữa hai phía diễn ra vào ngày 8.8 tại Đà Nẵng và giải đáp các thắc mắc các câu hỏi của phóng viên, điều mà ông Sơn (Đồng Dao) mong muốn là số tiền ông sẽ đóng cho VCPMC phải tương đương với các chương trình khác đã thanh toán trước hoặc gấp đôi số tiền 1 triệu đồng / ca khúc của nhạc sĩ Phạm Duy mà ông đã thanh toán cho Công ty Phương Nam, còn 7, 5 triệu đồng/ca khúc theo cách tính mà VCPMC đưa ra là không hợp lý và ông sẵn sàng ra tòa, căn cứ theo quy định của pháp luật.

Trả lời cho câu hỏi “Tại sao chấp nhận thanh toán số tiền hơn 200 triệu đồng cho đêm diễn vào ngày 9.5 mà bây giờ thì không?”, ông Sơn cho biết, do ông không am hiểu luật nên nghĩ rằng giá VCPMC đưa ra bao nhiêu thì mình bắt buộc phải thực thi như vậy. Bây giờ, sau khi tìm hiểu thì giá như vậy không hợp lý, không giống với các đơn vị khác và có thể “kỳ kèo trả giá” được.