Ngày 12.8, tại buổi họp báo thông tin về dịch bệnh do virus Ebola, TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, Việt Nam chưa có ca bệnh nhiễm virus Ebola, người dân không nên hoang mang, lo lắng.
Nguy cơ dịch bệnh vào Việt Nam thấp
Trước nhiều thông tin thất thiệt trên mạng xã hội trong sáng 12.8 về việc Việt Nam đã có ca bệnh nhiễm virus Ebola đầu tiên, TS Trần Đắc Phu khẳng định: Hiện chưa có ca bệnh nào được phát hiện tại Việt Nam, người dân không nên hoang mang và tin vào các nguồn tin không chính thống.
Theo TS Phu, bệnh do virus Ebola có các triệu chứng: Sốt đột ngột, mệt mỏi kéo dài, đau cơ, đau đầu, đau họng. Tiếp theo là các triệu chứng nôn, ỉa chảy, phát ban, suy gan, suy thận. Một số trường hợp bị chảy máu trong nội tạng và chảy máu cả ra ngoài theo các hốc tự nhiên. Tuy nhiên, có rất nhiều bệnh có các dấu hiệu sốt, mệt mỏi, đau đầu, đau cơ thậm chí nôn, tiêu chảy.
Do đó, yếu tố quan trọng nhất để xác định bệnh nhân có nghi ngờ bị nhiễm Ebola hay không là dịch tễ. Người bệnh phải là người đi từ vùng dịch (4 nước Tây Phi) hoặc tiếp xúc với người đi từ vùng dịch về. Các bác sĩ ở các bệnh viện cũng đã được cảnh báo, tập huấn về việc nhận biết các người bệnh có nguy cơ mắc Ebola.
TS Masaya Kato – Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của WHO tại Việt Nam trấn an, hiện nguy cơ bệnh do virus Ebola vào Việt Nam là rất thấp. Nguyên nhân là do virus Ebola chỉ lây truyền qua tiếp xúc gần (dịch tiết, máu, tinh dịch người bệnh), dịch bệnh cũng mới chỉ ở các nước Tây Phi, Việt Nam đang làm rất tốt các công tác kiểm soát, phòng ngừa.
Sẵn sàng mọi phương án tốt nhất
Theo TS Trần Đắc Phu, hiện Việt Nam đã sẵn sàng mọi phương án tốt nhất để ngăn chặn dịch do virus Ebola.
Bộ Y tế đã kích hoạt Văn phòng Đáp ứng khẩn cấp (EOC) để có thể kết nối và hỗ trợ các địa phương trong trường hợp khẩn cấp; mua thêm hóa chất khử khuẩn để cung cấp cho cán bộ y tế, người nhà bệnh nhân; đưa ra 3 “kịch bản” để đối phó với Ebola từ khi có ca bệnh vào Việt Nam.
Bộ Y tế cũng đã có kế hoạch mua khẩn cấp 10.000 bộ trang phục phòng hộ cá nhân để phát cho các đối tượng có nguy cơ cao khi làm nhiệm vụ. Trong tuần, Bộ Y tế cũng mở một số lớp tập huấn về phương pháp nhận biết, cách ly và điều trị bệnh nhân Ebola cho cán bộ y tế ở các bệnh viện.
TS Phu cho biết, hiện Việt Nam có 2 phòng xét nghiệm có mức độ an toàn sinh học cấp 3, tuy nhiên, xét nghiệm virus Ebola phải ở mức độ 4. Do đó, nếu có ca nghi ngờ nhiễm virus Ebola, Việt Nam sẽ gửi mẫu tới 1 trong 9 phòng xét nghiệm quy chuẩn trên thế giới để xét nghiệm.
Nếu cần thiết, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sẽ giúp đỡ để nâng cấp thêm 2 phòng xét nghiệm này để có thể xét nghiệm được virus Ebola ngay trong nước.
“Tuy nhiên, ưu tiên hàng đầu trước mắt vẫn là các phương án kiểm soát, giám sát để ngăn ngừa bệnh dịch vào Việt Nam, nếu có ca bệnh thì phải phát hiện sớm nhất, tránh nguy cơ lây lan sang diện rộng” – TS Phu nhấn mạnh.