GS-TS Nguyễn Tiến Quyết - Giám đốc Bệnh viện Việt Đức chia sẻ như trên.
Sống lại lần nữa
Nhìn bà Nguyễn Thị Nhâm (53 tuổi, ở Phú Thọ) tươi tắn, nhanh nhẹn, không ai đoán bà đang sống với một lá gan của người khác suốt 5 năm nay. Bà Nhâm là bệnh nhân được ghép gan đầu tiên của Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) từ năm 2007.
“Tôi đã sống 5 năm vô cùng quý giá của cuộc đời. Tôi được chứng kiến con trai cả bảo vệ luận văn tiến sĩ, cưới vợ và được đón cháu nội chào đời. Rồi lại đến con thứ 2 thi đỗ và đang làm luận án tiến sĩ. Tôi có được niềm hạnh phúc như vậy chính là nhờ các bác sĩ, nhờ sự tiến bộ vượt bậc của nền y tế nước nhà” – bà Nhâm cho biết.
Một ca ghép tạng tại Bệnh viện Việt Đức. |
Ông Vũ Văn Tiền (Thái Bình) là một doanh nhân thành đạt, ông đã ghép gan tại Bệnh viện Việt Đức được 2 năm, hiện sức khỏe rất tốt. Ông cho biết, sau khi sống lại một lần nữa, quan điểm sống của ông là: Sống tốt, ăn tốt, tư tưởng tốt. Theo ông, sống một ngày, một giờ cũng cần phải duy trì lối sống lành mạnh, thanh thản.
Từ năm 2006 đến nay, Bệnh viện Việt Đức đã thực hiện 5 ca ghép tim, 11 ca ghép gan (8 ca từ người cho chết não) và 157 ca ghép thận (23 ca từ người cho chết não). Trong đó chỉ có 3 ca tử vong (1 ghép gan, 1 ghép tim và 1 ghép thận).
“Nhờ ghép tạng, nhiều người bệnh đã được trở về từ cõi chết, tiếp tục hưởng niềm hạnh phúc được sống bên người thân, nhìn con cái trưởng thành” – PGS-TS Nguyễn Tiến Quyết nói.
Khó tìm nguồn tạng
TS Quyết cho biết, một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, mỗi năm nước ta có 100 người bệnh suy thận giai đoạn cuối trên 1 triệu dân. Như vậy, ước tính mỗi năm Việt Nam có khoảng 8.000 bệnh nhân mới, trong khi các kỹ thuật điều trị, thay thế thận (chủ yếu là lọc máu) chỉ đáp ứng được 10% số bệnh nhân.
Mỗi năm có 8.000 người có nhu cầu ghép thận nhưng trong 20 năm qua, chỉ 700 người được ghép thận, chiếm chưa đầy 10% nhu cầu của bệnh nhân trong 1 năm. “Số ghép tạng còn quá ít so với nhu cầu và chủ yếu từ người cho sống. Trong khi đó, mô hình ghép tạng từ người cho chết não là một trong những giải pháp có thể tăng số lượng ghép tạng” – ông Tiến cho biết.
Theo thống kê, mỗi năm tại Bệnh viện Việt Đức có từ 800-1.000 bệnh nhân chết vì chấn thương sọ não, còn Bệnh viện Chợ Rẫy cũng có từ 1.000-1.500 trường hợp. Hầu hết các bệnh nhân đều trải qua giai đoạn chết não trong bệnh viện. Tuy nhiên, chỉ có vài chục thân nhân người chết não đồng ý hiến tạng. Còn người sống cũng hiếm khi đồng ý cho tạng vì lo ảnh hưởng sức khỏe.
Người hiến gan cho bà Nhâm là cháu trai Nguyễn Gia Cư (sinh năm 1975). Hiện anh Cư đã lập gia đình, có con học lớp 3, sức khỏe rất tốt.
Còn ông Vũ Văn Tiền trở thành một cộng tác viên đắc lực trong việc vận động người dân hiến tạng. Ông đã cùng các bác sĩ vận động được 7 trường hợp hiến tạng. Theo ông Tiền, cần phải đẩy mạnh vận động cho người bệnh cũng như thân nhân của họ biết lợi ích của việc ghép tạng, để họ an tâm về trình độ của bác sĩ Việt Nam nói chung và bác sĩ Bệnh viện Việt Đức nói riêng.
Khi họ hiểu, tin tưởng thì chính những người thân sẽ trở thành người hiến tạng hoặc đăng ký hiến tạng. Họ cũng sẽ hiểu được nghĩa cử cao đẹp của việc tiếp tục duy trì sự sống cho những người đã chết não bằng cách hiến tặng các bộ phận khỏe mạnh của người chết não cho người bệnh cần.
Diệu Linh