Vấn đề “nóng” nhất được đặt ra là khối trường nghề rất khó tuyển sinh, cần có giải pháp phân luồng hợp lý.
Ông Phạm Đức Thắng - Phó Vụ trưởng Vụ Dạy nghề chính quy, Tổng cục Dạy nghề, cho biết, tính đến hết ngày 15.12, cả nước có gần 1,5 triệu học sinh đăng ký học nghề. Trong đó cao đẳng nghề (CĐN) là 84.381 người, tăng 6% so với năm 2011; Trung cấp nghề (TCN) là 123.000 người, giảm 9% so với cùng kỳ; còn lại là sơ cấp nghề (SCN) và dạy nghề dưới 3 tháng với xấp xỉ 1,3 triệu người... Trên 80% HSSV sau khi tốt nghiệp có việc làm đúng nghề và có thu nhập ổn định. Thế nhưng thực tế, công tác tuyển sinh, dạy và học của trường nghề vẫn còn nhiều rào cản.
Dạy nghề đan làm ghế mây cho nông dân |
Ông Trần Văn Đông – Hiệu trưởng Trường CĐN Cơ điện Hà Nội chia sẻ: “Tuyển sinh ngày càng gặp khó khăn, trường chúng tôi là trường “top” đầu trong khối dạy nghề mà từ tháng 5.2012 đến nay mới tuyển được 1.250 học sinh 2 hệ, trong đó CĐN: 1.000; TCN và SCN là 250 em. Ngành Kế toán doanh nghiệp, Quản trị doanh nghiệp quá “ế” vì chỉ có 4 lớp, trong khi các năm khác là trên 10 lớp”. Theo ông Đông, đa phần các em xin vào ngành Kỹ thuật. Những ngành Nông- lâm- thuỷ- sản ngày càng ít và khó tuyển sinh, có khóa chỉ tuyển được 6 em nhưng vẫn phải đào tạo.
Một số trường CĐN, TCN khối nông, lâm nghiệp cũng rơi vào tình trạng như vậy. Vì thế, nhiều hiệu trưởng kiến nghị, thời gian tới cần phải có chính sách đặc thù với học sinh học các nghề đặc biệt như: Khai thác mỏ, nghề Nông – lâm – ngư nghiệp…
Ngoài ra, Luật Dạy nghề sửa đổi cũng cần chú ý tới việc phân luồng học sinh ngay từ khi tốt nghiệp THPT. Xem xét lại vấn đề liên kết đào tạo liên thông từ CĐ lên ĐH, “cởi” nút thắt trong giáo dục đào tạo nghề, tạo làn sóng khuyến khích học sinh theo học nghề thay vì đổ xô vào đại học.
Ghi nhận ý kiến này, ông Nguyễn Ngọc Phi – Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho rằng: “Ngoài việc thiết lập chính sách đặc thù khuyến khích học sinh theo học nghề, Bộ cũng sẽ có những đề xuất để thay đổi căn bản Luật Dạy nghề. Mục tiêu là tạo sự phân luồng tuyển sinh như các nước phát triển. Phấn đấu tới năm 2015, nước ta phải có 26 trường dạy nghề chất lượng cao, trong đó có 5 trường đạt đẳng cấp quốc tế; năm 2020 cả nước có khoảng 10 – 12 trường đạt cấp quốc tế…”.
Minh Nguyệt - Ngô Xuân