Sau nhiều năm" cởi quần" lội qua sông để mua bán, giao thương và cõng con đi học vào mùa nắng; còn mỗi khi mưa lũ gần như bị dòng nước dữ cô lập; cách đây khoảng 10 năm, người dân 2 tổ 6 và 9, với 35 hộ trên 120 khẩu nằm phía đông sông Re, thuộc thôn Gọi Re xã Ba Xa, huyện miền núi Ba Tơ làm chiếc cầu treo này.
Theo đó, tại đoạn hẹp nhất của con sông Re, người dân sử dụng những sợi sắt 6 nối lại với nhau, gồm 3 sợi ở mỗi bên để làm thành và 4 sợi làm bệ đỡ phía dưới. Mặt cầu là những thanh tre, ván nhặt lượm... được đặt cách nhau từ 10-20cm. Còn trụ là 4 gốc cây ở hai bên bờ. Qua quan sát thì sau một thời gian dài sử dụng, những sợi dây sắt mà đặc biệt là ở phía dưới đã rất yếu, riêng gốc cây trụ ở phía tây nam hiện đã bắt đầu mục. Vì vậy, mỗi lần có người qua lại làm chiếc cầu oằn xuống như thể muốn "đứt hơi" bất cứ lúc nào.
Chưa hết, với chiều dài khoảng 50m, nằm ở độ cao ước 25m so với mặt sông đầy đá phía dưới, cứ mỗi lần có gió, chiếc cầu lại đung đưa như thể... một chiếc võng lớn được mắc lưng chừng trời. Cách đây chưa lâu, sau khi kiểm tra chính quyền huyện Ba Tơ đã làm biển báo cấm qua lại. Thế nhưng chỉ được vài ngày sau thì người dân lại gỡ bỏ. "Không qua cầu thì đi lại bằng gì, nhất là mùa mưa lũ sắp tới rồi. Lại còn mấy chục đứa trẻ trong làng còn phải đến trường học cái chữ nữa chứ", ông Phạm Văn Sinh (43 tuổi), ở tổ 6 xua tay.
Để bớt đi phần nào nguy hiểm, mấy tuần trước, một số thanh niên của xã đã làm thêm mỗi bên 3 sợi dây sắt, rồi dùng kẽm nhỏ cột lại thành ô, ông Phạm Văn Nam, Trưởng thôn Gọi Re cho biết.
Một số hình ảnh PV Dân Việt ghi lại tại chiếc cầu này:
Toàn cảnh cây cầu.
Mặt cầu được làm bằng các loại tre, gỗ cũ nát.
Người dân đánh đu với tử thần.
Gia cố thêm kẽm nhỏ để giảm bớt nguy hiểm cho trẻ em.
Một trong số 4 gốc cây làm trụ hiện đã bắt đầu mục.
Cây trụ bê tông vừa được gia cố thêm để tăng sự vững chắc hơn cho một trụ cầu.