“Vua” trong căn nhà 5 mét vuông
Có lẽ nhắc tới nhạc sĩ Vinh Sử, các khán giả yêu mến dòng nhạc bolero bình dân (thường được gọi là “nhạc vàng”, “nhạc sến”) sẽ không thể quên những ca khúc nổi tiếng của ông như “Nhẫn cỏ cho em”, “Người phu kéo mo cau”, “Không giờ rồi”, “Nối lại tình xưa”…
Nhạc Vinh Sử gần gũi với đời sống tâm hồn, tình cảm của người lao động, đặc biệt là những mối tình nghèo trong nhạc ông đã làm tan chảy hàng triệu trái tim của rất nhiều thế hệ, đặc biệt là thế hệ 6x, 7x chắc chắn đã một lần nghe lời than thở của chàng trai: “Anh nghèo nên chẳng nhẫn kim cương, tặng em theo sính lễ huy hoàng. Thì đây anh đan nhẫn cỏ tặng em coi như bỏ ngỏ, lòng anh chắc em đã biết…”.
Cái sự đời nghèo, tình nghèo mà nhạc sĩ lựa chọn làm nền cho các sáng tác của mình, chẳng ngờ đã vận vào đời ông từ lúc ra đời đến lúc ngoài 70 tuổi như hôm nay. Sinh ra trong một gia đình lao động ở xóm nghèo nhất Sài Gòn, thuở nhỏ Vinh Sử còn không được đi học, mọi kiến thức cuộc sống, âm nhạc mà ông có được chỉ là những miếng vụn dở dang mà nhạc sĩ nhặt nhạnh đâu đó trên đường đời. Học hành không đến đầu đến đũa, không có nền tảng, nên đến khi ở thời hoàng kim, có bài nhạc bán được hàng chục cây vàng, đủ tậu xe hơi, Vinh Sử cũng không biết giữ. Ông kể: “Hồi đó tôi đã sống một đời hoang phí, tiêu xài vung vít, có tiền thì bao bạn bè nhậu nhẹt ăn chơi, nên tiền có hàng núi cũng tiêu tán hết. Cũng có nhiều khi đổ cho số mệnh, phải chăng vì tôi cứ viết nhạc than thở đời nghèo, kiếp nghèo nên ông trời ổng ban cho luôn một cái số nghèo mạt rệp”.
Trải qua 4 đời vợ nhưng cuối đời, Vinh Sử ở một thân một mình trong căn nhà chỉ có 5 mét vuông ở một con hẻm cụt trong khu lao động nghèo quận 7 TP.HCM, căn nhà này ông mua trả góp 280 triệu đồng đến giờ vẫn đang thiếu nợ người bán. Hơn 70 tuổi đời, bệnh tật đầy mình, nặng nhất là căn bệnh ung thư trực tràng có nhiều phen tưởng như không qua khỏi, cuộc sống của Vinh Sử chỉ còn trông vào tình thương của khán giả và một đôi người ca sĩ còn nặng tình, nhớ tới ông. Vinh Sử nói có khán giả vì thương mà ghé qua cho ông tới cả 20 triệu đồng để ông lo tiền thuốc, nhưng mỗi đợt điều trị mất cả trăm triệu đồng, nguồn thu nhập duy nhất của ông chỉ là tiền bản quyền được lĩnh theo quý, mỗi lần chỉ 4-5 triệu đồng, gia cảnh của ông vì bệnh tật mà càng trở nên ngặt nghèo.
“Giá như không mắc bệnh, tôi có thể sống tùng tiệm qua ngày. Trước tôi còn có nghề làm da, nhưng giờ vì bệnh tật mà rơi vào thảm cảnh. Có nhà báo biết tin tôi ung thư, gọi điện qua hỏi tôi giờ đang làm gì, tôi bảo đang ngồi ăn cơm nguội vậy thôi. Cũng nghĩ lúc này mà mình vẫn còn 10.000 đồng để có miếng cơm, một mái nhà che mưa nắng trên đầu cũng là còn may mắn rồi”.
Đêm nhạc thiện tâm
Thương cho hoàn cảnh bệnh tật của Vinh Sử, những người bạn, các ca sĩ quý mến ông sẽ cùng nhau tổ chức một đêm nhạc mang tên “Gõ cửa trái tim” nhằm tôn vinh những đóng góp của nhạc sĩ Vinh Sử trong nền âm nhạc Việt Nam, đồng thời để gây quỹ giúp nghệ sĩ Vinh Sử trị bệnh hiểm nghèo, sẽ diễn ra vào tối 20.8 tại Phòng trà Nam Quang, quận 3 (TP.HCM). Đêm nhạc sẽ có sự tham gia của hơn 20 nghệ sĩ, ca sĩ, những người đã gắn bó với các ca khúc của ông như Đình Văn, Đàm Vĩnh Hưng, Chế Thanh, Hoàng Châu, Dương Ngọc Thái, Thùy Trang, NSƯT Kim Tử Long, Trinh Trinh, Hồng Tơ, Cát Phượng, Lưu Chí Vỹ… Các ca sĩ sẽ hát lại khoảng 20 ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Vinh Sử như “Nhẫn cỏ cho em”, “Gõ cửa trái tim”, “Người phu kéo mo cau”, “Hai bàn tay trắng”, “Đêm lang thang”, “Chuyến xe lam chiều”, “Vòng nhẫn cưới”, “Đoạn buồn đêm mưa”, “Qua ngõ nhà em”, “Hai mái nhà tranh”, “Thà trắng thà đen”, “Không giờ rồi”, “Làm dâu xứ lạ”, “Mưa bụi”, “Trách người trong mộng”, “Quên cây cầu dừa”, “Nối lại tình xưa”, “Tình đẹp mùa chôm chôm”, “Vẫy tay chào”…
Toàn bộ số tiền bán vé của đêm diễn (300.000 - 500.000 đồng/vé) và tiền quyên góp được của khán giả tại phòng trà sẽ được tặng cho nhạc sĩ Vinh Sử để giúp ông một phần nhỏ kinh phí trị bệnh và trang trải cuộc sống.
Thân hình còm cõi vì bệnh tật, giờ đây nhạc sĩ Vinh Sử chỉ còn bộ da bọc xương với 40kg cân nặng, mỗi đợt bệnh tấn công, ông lại gầy xanh hơn, nhưng ông không bao giờ oán trách hoàn cảnh của mình mà chỉ bảo “cái số tôi nó vậy”. Ông vẫn nuôi tình yêu với âm nhạc, nhưng ngặt vì hoàn cảnh ốm đau bệnh tật nên Vinh Sử đã ngừng không sáng tác các ca khúc mới được nữa. Ông bảo “tôi chỉ có một ước được khỏi bệnh, để tiếp tục làm lụng kiếm miếng ăn rồi viết nhạc...”.
Nhưng với người nhạc sĩ đã trọn một đời “ngồi đan nhẫn cỏ cho người tình” này, có lẽ ước mơ được viết tiếp nhạc hãy còn xa xôi lắm. Gia tài hơn 1.000 ca khúc của ông đã trở thành kỷ niệm của bao nhiêu thế hệ người Việt, những người yêu mến khúc tình ca cho mùa chôm chôm, những kỷ niệm về cây cầu dừa, trò chơi kéo mo cau… sẽ nhớ mãi những ca khúc mà Vinh Sử đã viết. Giờ đây, điều Vinh Sử trân trọng nhất trong cuộc đời chỉ còn tình cảm của khán giả dành cho những ca khúc của ông...