Dân Việt

Chôm chôm Việt sang Mỹ

25/04/2011 10:37 GMT+7
(Dân Việt) - Thông tin Bộ Nông nghiệp Mỹ vừa đồng ý cho quả chôm chôm tươi của Việt Nam nhập khẩu vào nước này khiến nhiều nhà vườn và doanh nghiệp chuyên xuất khẩu trái cây rất hào hứng.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), chôm chôm tươi vào thị trường này chỉ được nhập khẩu vì mục đích thương mại; phải được xử lý bằng phương pháp chiếu xạ phù hợp với luật pháp của Mỹ.

img
Nông dân Nguyễn Hữu Phước ở cù lao Tân Phong, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang thu hoạch chôm chôm trong vườn nhà.

Nếu phương pháp chiếu xạ được thực hiện bên ngoài Mỹ thì mọi chuyến hàng phải được các kiểm tra viên của Cơ quan Kiểm tra sức khoẻ động thực vật (Animal and Plant Health Inspection Service - APHIS, trực thuộc USDA) thông qua tại nước xuất xứ hàng hóa.

Vượt rào cản kỹ thuật

Trao đổi với NTNN, tiến sĩ Nguyễn Minh Châu - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cây ăn quả Miền Nam cho biết, việc xuất khẩu chôm chôm sang Mỹ với các yêu cầu trên được xem là rào cản kỹ thuật, không phải là một vấn đề lớn. Thậm chí, trái chôm chôm sẽ thuận lợi hơn thanh long do nông dân, doanh nghiệp đã có kinh nghiệm thực tế, lại có sẵn cơ sở hạ tầng…

Bà Nguyễn Thị Hồng Thu - Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu (huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) cho biết, chôm chôm Chợ Lách không chỉ cho năng suất cao, mà còn có chất lượng ngon nhất so với chôm chôm ở các vùng miền khác. Hiện các tổ hợp tác đang làm ăn với doanh nghiệp này đang canh tác theo chuẩn GlobalGAP để có thể xuất sang Mỹ.

"Lâu nay chúng tôi chuyên cung ứng chôm chôm cho thị trường Trung Đông, Trung Quốc và nhiều nước châu Á. Hiện chúng tôi đang liên kết chặt chẽ với nhà vườn, mở nhiều lớp đào tạo cho nông dân, đầu tư nhiều hơn vào chất lượng để chôm chôm có thể xuất đi Mỹ" - bà Thu hào hứng.

Cơ hội lớn cho nhà vườn

Ở Bến Tre, nông dân Võ Văn Hớn (huyện Chợ Lách) chỉ với 6ha trồng chôm chôm, nhưng mỗi năm đều thu lãi trên 1 tỷ đồng.

Ông Hớn cho biết, do vườn chôm chôm của ông đạt tiêu chuẩn GlobalGAP nên giá bán để xuất khẩu luôn cao hơn bán cho thị trường nội địa gấp nhiều lần. Từ thành công của ông Hớn, nhiều nhà vườn đang muốn canh tác theo chuẩn GlobalGAP để thu lợi nhuận nhiều hơn.

img
Lái buôn lấy chôm chôm từ các nhà vườn ở Cai Lậy (Tiền Giang) mang đi bán tại các thành phố lớn.

Anh Nguyễn Văn Hải – nông dân đang thuê đất ở cù lao Đồng Phú (tỉnh Vĩnh Long) cho hay, đã từng đến tham quan mô hình trồng chôm chôm GlobalGAP của ông Võ Văn Hớn. Nay có thông tin Mỹ đồng ý nhập chôm chôm sạch sẽ là động lực để anh cải tạo lại vườn chôm chôm của mình cho đạt tiêu chuẩn.

Đồng Nai hiện có hơn 12.000ha chôm chôm, Bến Tre gần 4.500ha... Để chôm chôm có thể đi Mỹ, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ bằng cách khuyến khích doanh nghiệp gắn với nông dân từ đầu chứ không thể chỉ khi nào có sản phẩm mới đến mua.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp chuyên xuất khẩu trái cây cũng đã mạnh dạn đầu tư để đáp ứng nhu cầu nhập khẩu cho những thị trường khó tính.

Ở Bến Tre, Công ty Chánh Thu đã xây dựng nhà máy đóng gói đạt tiêu chuẩn VietGAP. Công ty này còn liên kết các nhà khoa học với nông dân để nâng cao năng lực sản xuất của nhà vườn.

Còn lãnh đạo Công ty cổ phần Chiếu xạ An Phú (API) - doanh nghiệp chuyên thực hiện các đơn hàng thanh long xuất khẩu vào Mỹ cho hay, API đã chuẩn bị sẵn những vùng trồng chôm chôm theo tiêu chuẩn của Mỹ để xin cấp mã số.

Việc chiếu xạ cũng không khó khăn vì hiện đã có nhà máy của Công ty Sơn Sơn ở TP.HCM và của An Phú ở Bình Dương. Ngoài ra, 1 nhà máy chiếu xạ công suất 150 tấn trái cây/ngày của An Phú tại Vĩnh Long cũng dự kiến hoạt động vào tháng 5.2011…