Xin ông cho biết một số kết quả hoạt động của đơn vị trong những năm qua?
- Hiện nay, NH CSXH Quảng Ngãi đã cho vay 14 chương trình tín dụng: Cho vay hộ nghèo phát triển sản xuất kinh doanh; Cho vay giải quyết việc làm; Cho vay học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; Vay xuất khẩu lao động thông thường; Vay hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn; Vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; Vay dự án phát triển ngành lâm nghiệp; Vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn phát triển sản xuất; vay hộ nghèo về nhà ở...
Tính đến 30.6.2014, tổng dư nợ do NH CSXH Quảng Ngãi quản lý là 2.245,5 tỷ đồng với trên 131 ngàn hộ nghèo và đối tượng chính sách. Trong đó, dư nợ cho vay hộ nghèo: 940,7 tỷ đồng với 52.600 hộ; dư nợ cho vay hộ cận nghèo: 289,4 tỷ đồng với 12.320 hộ (triển khai trong năm 2013, nhưng đến nay dư nợ rất lớn). Dư nợ cho vay HSSV: 513,7 tỷ đồng với 25 ngàn hộ. Dư nợ cho vay hộ nghèo về nhà ở” 94,3 tỷ đồng, với 11.800 hộ.
Qua 11 năm thực hiện, NH CSXH tỉnh đã cho vay (doanh số cho vay) 3.903 tỷ đồng, với 403.329 lượt hộ nghèo và chính sách được vay vốn, trong đó cho vay 178.934 lượt hộ nghèo với doanh số cho vay 2.077 tỷ đồng để phát triển kinh tế gia đình.
Gần 50.000 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập tiếp tục chắp cánh ước mơ đến trường theo Quyết định 157/2007/QĐ-TTg; Giải quyết việc làm cho trên 100.000 lao động, trong đó trên 1.500 lao động vay vốn tham gia xuất khẩu lao động; trên 20.000 hộ vay vốn để đầu tư công trình nước sạch và công trình vệ sinh, tạo điều kiện cho hàng chục ngàn người dân ở vùng nông thôn có điều kiện sống, sinh hoạt trong môi trường trong sạch, hợp vệ sinh, nâng cao chất lượng cuộc ống; 11.966 hộ nghèo vay vốn làm nhà ở theo Quyết định 167/2008/QĐ-TsTg.
Từ những kết quả trên, gần 40.000 hộ thoát nghèo, trên 36.000 hộ nghèo cải thiện đời sống, trên 23.000 hộ nghèo đã chuyển biến nhận thức và cách làm ăn nhưng chưa cải thiện được cuộc sống…
Ông có thể giới thiệu một số mô hình sản xuất hiệu quả, các hộ nghèo - khó khăn vươn lên nhờ tiếp cận được nguồn vốn của NHCS?
- Đối tượng vay vốn của NH CSXH là hộ nghèo, cận nghèo, vay giải quyết việc làm là chính, mức vay tương đối nhỏ lẻ (trước tối đa 30 triệu đồng, nay nâng lên 50 triệu đồng đối với hộ nghèo và cận nghèo), mục đích đầu tư chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ theo từng hộ gia đình, mua sắm ngư cụ... vì vậy mô hình sản sản xuất chủ yếu là quy mô hộ gia đình.
Nhờ tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi của ngân hàng, thời gian qua nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Trong đó, có một số hộ gia đình tiêu biểu như: Hộ Dương Thị Toán (thôn Bình Nam, Tịnh Bình, Sơn Tịnh), hộ cận nghèo đã vay 40 triệu đồng để đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi… Hoặc như hộ ông Nguyễn Tấn Đức (Xuân Mỹ,Tịnh Hiệp, Sơn Tịnh), ông Võ Văn Thanh ở Thọ Tây,Tịnh Thọ); ông Thới Ngọc Việt (thôn Mỹ Hòa, xã Nghĩa Mỹ, Tư Nghĩa)...
Để người nông dân, hộ cận nghèo - hộ nghèo có điều kiện tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, trong những năm tới NH CSXH Quảng Ngãi có những chính sách hỗ trợ như thế nào, thưa ông?
- NH CSXH tiếp tục tổ chức và nâng cao chất lượng giao dịch tại xã để giảm thiểu tối đa chi phí đi lại và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người dân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Tất cả hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng chính sách có nhu cầu vay vốn, đủ điều kiện vay vốn sẽ được vay vốn ưu đãi từ NH CSXH.
Tuy nhiên, để người nông dân, hộ cận nghèo - hộ nghèo có điều kiện tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị xã hội từ nhiều khâu, bước quan trọng…
Xin cảm ơn ông!