Dân Việt

Vì sao chỉ tạm hoãn nhập ngũ với sinh viên ĐH hệ chính quy?

Lương Kết 15/08/2014 08:47 GMT+7
Theo Bộ trưởng Phùng Quang Thanh dự thảo luật lần này chỉ quy định tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với học sinh đang học phổ thông, sinh viên đang học chương trình đào tạo đại học hệ chính quy trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Theo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh, hiện trên 90% người nhập ngũ là con em công nhân, nông dân. Số còn lại, chỉ có gần 5% là đối tượng con em cán bộ công chức nhà nước, dẫn tới sự thiếu công bằng trong xã hội. Dự kiến từ năm 2015, việc tuyển người nhập ngũ sẽ tập trung vào đối tượng này nhiều hơn.

Tăng thời gian phục vụ từ 18 lên 24 tháng

Sáng 14.8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự (NVQS). Một trong những điểm mới của dự thảo luật là đề nghị tăng thời gian phục vụ trong quân đội từ 18 lên 24 tháng.

Lý giải về sự thay đổi này, Đại tướng Phùng Quang Thanh - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết: Hiện nay Quân đội nhân dân Việt Nam đã xây dựng Quân chủng Hải quân, Quân chủng Phòng không không quân và một số binh chủng tiến thẳng lên hiện đại. Do đó, thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan và binh sĩ với 18 tháng là không đủ thời gian để huấn luyện chương trình, nội dung về giáo dục chính trị, huấn luyện quân sự, huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật, huấn luyện kỹ năng sử dụng thành thạo các loại vũ khí, trang bị hiện đại...

“Ngoài ra việc phải thực hiện các nhiệm vụ khác do Đảng và Nhà nước giao, như cứu hộ, cứu nạn phòng chống thiên tai, công tác dân vận…, cũng ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng huấn luyện sẵn sàng chiến đấu của quân đội. Vì vậy, thời hạn phục vụ tại ngũ 18 tháng không đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu xây dựng quân đội trong tình hình mới” - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nêu rõ.

Nhiều ý kiến trong UBTVQH đều nhất trí với đề xuất trên. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng: “Việc tăng thời gian phục vụ lên 24 tháng để đảm bảo chất lượng huấn luyện, tính công bằng, tránh dẫn đến tâm tư cùng địa phương, cùng ngày nhập ngũ như nhau nhưng có người ra trước, người ra sau”.

Chỉ tạm hoãn nhập ngũ với sinh viên ĐH hệ chính quy

Theo Bộ trưởng Phùng Quang Thanh dự thảo luật lần này chỉ quy định tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với học sinh đang học phổ thông, sinh viên đang học chương trình đào tạo đại học hệ chính quy trong hệ thống giáo dục quốc dân. Quy định này nhằm đảm bảo việc tạo nguồn nhân lực phát triển đất nước trong thời kỳ mới.

Công dân đang học tập tại các nhà trường hoặc trúng tuyển vào các nhà trường thuộc các cơ sở giáo dục không thuộc đối tượng tạm hoãn gọi nhập ngũ sẽ được gọi nhập ngũ và bảo lưu kết quả sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự sẽ được các nhà trường tiếp nhận lại để học tập.

Theo thống kê, một bộ phận công dân đã có việc làm, có trình độ học vấn cao, có chuyên môn kỹ thuật và con em cán bộ, công chức, các gia đình có điều kiện kinh tế thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ chưa nhiều (chỉ chiếm 4,94%) và đang có xu hướng giảm dần. Còn lại đối tượng nhập ngũ đa phần là con em của nông dân, công nhân.

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cho biết: Trong luật hiện hành chỉ đề nghị miễn cho cán bộ, công chức, thanh niên xung phong đã làm việc 24 tháng ở vùng kinh tế khó khăn; đang làm nhiệm vụ cơ yếu; công an nhân dân; dân quân tự vệ. Còn cán bộ công chức, viên chức các cơ quan không được miễn. “Trong tuyển quân thời gian vừa qua hầu như không tuyển số này. Do vậy sắp tới cần xem lại, cần tuyển đối tượng là công chức, viên chức để phục vụ trong quân đội, lúc ấy chất lượng hạ sĩ quan sẽ nâng lên khi có người tự nguyện phục vụ lâu dài trong quân đội" - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thì cho rằng: “Công chức viên chức đều phải đi nghĩa vụ quân sự để đảm bảo công bằng. Giờ chúng ta miễn giảm chứ những năm 1980 công chức đi rất nhiều. Người thi đại học trượt thì đi du học nước ngoài rồi không phải đi nữa. Như vậy rất là bất công, vì vậy luật lần này phải giải quyết được bất cập đó”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, Hiến pháp đã quy định công dân phải tham gia nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân. “Học đại học chính quy thì học xong cũng phải thực hiện nghĩa vụ quân sự. Một dân tộc sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc thì tất cả công dân phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ quân sự" - Chủ tịch Quốc hội nói.

  Bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội: Thực hiện NVQS không chỉ là nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc mà quan trọng hơn còn giáo dục cho thế hệ trẻ nhiều điều bổ ích. Luật này nên xây dựng một nguyên tắc để thực hiện Hiến pháp, đó là cứ ai đến tuổi đều phải thực hiện NVQS một cách tự giác, đầy đủ.