Tại Sóc Trăng, dự án này đang triển khai thực hiện với những tín hiệu đáng mừng. Lão nông Ông Văn Dịnh ngụ khóm 3 phường 2, TP.Sóc Trăng là hộ được hỗ trợ của dự án, chia sẻ: “Từ khi xây dựng hầm biogas đã giảm thiểu nguồn khí thải ô nhiễm vào môi trường. Đây là bài toán khó đối với những hộ dân chăn nuôi nhỏ lẻ như gia đình tôi; nhưng hiện nay, nhờ có xây dựng được hầm biogas tại gia đình giúp cho tôi yên tâm phát triển đàn lợn của mình mà không sợ gây ô nhiễm, ảnh hưởng mọi người xung quanh. Việc có hầm biogas còn giúp cho gia đình tôi tận dụng được nguồn khí để đun nấu, giảm được chi phí sinh hoạt”.
Còn bà Châu Thị Sa Lương (ngụ cùng khóm) hiện đang chăn nuôi đàn lợn hàng chục con, cho biết thêm: “Từ khi tham gia dự án, môi trường xung quanh từ những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, nhất là ở khu vực đông dân cư sẽ không bị ô nhiễm nghiêm trọng như trước đây. Gia đình tui còn tiết kiệm được chi phí sinh hoạt khoảng 200.000 đồng tháng sử dụng khí đốt từ hầm biogas”.
Ông Nguyễn Tấn Lực – Tổ trưởng tổ hành chính và kế hoạch dự án cho biết: “Thông qua dự án này, sẽ có hơn 3.600 hầm biogas quy mô hộ chăn nuôi, 4 hầm biogas vừa (1.000m3 khí) và 1 hầm biogas lớn (5.000m3 khí) sẽ được xây dựng tại những trang trại chăn nuôi quy mô lớn. Tổng vốn đầu tư của dự án tại Sóc Trăng là hơn 39 tỷ đồng; trong đó vốn vay từ ADB hơn 35,5 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của địa phương”.
“Theo kế hoạch năm nay, tỉnh Sóc Trăng sẽ xây dựng thêm 1.200 hầm biogas. Tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn cho hộ dân nắm rõ quy trình đăng ký tham gia dự án. Thông qua hệ thống thú y và khuyến nông cơ sở, kết hợp với đội ngũ kỹ thuật viên sẽ chịu trách nhiệm khảo sát, tư vấn cho người dân, sắp tới sẽ tăng cường tập huấn thêm 50 kỹ thuật viên để đáp ứng nhu cầu của dự án” - ông Lực thông tin. Ông Quách Văn Tây – Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Sóc Trăng, Giám đốc Ban Quản lý dự án, nhận định: “Việc xây dựng dự án sẽ góp phần tạo ra một nền nông nghiệp phát triển bền vững, hiệu quả và thân thiện với môi trường. Từ đó, hướng tới giảm khí thải nhà kính, giảm thiểu sự tác động của biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên và phế phẩm trong nông nghiệp, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân nông thôn”.