Dân Việt

Nữ dũng sĩ ngày ấy... bây giờ

Ngọc Vũ 16/08/2014 09:34 GMT+7
Trong những năm đất nước còn chia cắt hai bờ giới tuyến, bà là nữ thiện xạ của huyện Gio Linh (Quảng Trị), được 9 lần tặng danh hiệu “dũng sĩ” cùng nhiều huân huy chương cao quý khác. Từ ngày hòa bình lập lại, bà cống hiến hơn 40 năm cho sự nghiệp chữa bệnh cứu người. Bà là Hoàng Thị Chẩm (SN 1950, trú thôn Xuân Long, xã Trung Hải, Gio Linh, Quảng Trị).

12 tuổi tham gia cách mạng

Bà Chẩm sinh ra trong gia đình giàu truyền thống cách mạng. Cha bị địch tù đày, mẹ làm cơ sở nuôi giấu cán bộ cách mạng, hai chú ruột hy sinh trong kháng chiến, cô ruột là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Sinh ra trong thời loạn lạc, chứng kiến sự tàn ác của giặc xâm lược đàn áp dân lành, vì thế từ năm 12 tuổi, bà Chẩm đã tham gia cách mạng với nhiệm vụ liên lạc, đưa thư.

Sáng ngày 19.5.1967, giặc đưa bộ binh, máy bay, xe tăng dồn dân 3 xã Trung Hải, Trung Giang và Trung Sơn lên vùng Tân Tường (Cam Lộ), thành lập “vành đai trắng” với tuyên bố một con kiến cũng không thể sống sót trong vành đai trắng. Bà và gia đình bị đưa lên Tân Tường, nhưng 5 ngày sau, bà đã trở về nhà vì nỗi lo nhiệm vụ còn dở dang, cán bộ cách mạng không người giúp sức sẽ khó lòng hoạt động. Bà Chẩm nhớ lại: “Sau khi đưa dân mình lên Tân Tường, giặc đã đốt phá tất cả làng mạc, nhà cửa, tất cả tài sản đều bị chúng tiêu hủy sạch. Nhìn đâu cũng chỉ thấy đất đá cằn cỗi, không một lùm cây. Đúng như chúng nói là vành đai trắng”.

Vậy nhưng, dã tâm của chúng không khuất phục được sự dũng cảm của bà Chẩm. Ngay khi trở về nhà, bà đã tham gia vào khẩu đội 12 ly 7 thuộc Sư đoàn 308 trực tiếp ra chiến trường khi chưa tròn 17 tuổi.

Trong hàng chục trận đánh lớn nhỏ, bà Hoàng Thị Chẩm vẫn nhớ như in trận đánh đi vào lịch sử. Đó là trận đánh vào tháng 8.1969, khi giặc dùng 9 xe tăng, trên trời có máy bay yểm trợ và đại đội bộ binh đổ bộ về thôn Cao Xá càn quét. Lúc đó lực lượng của ta chỉ có 6 đồng chí du kích, trong đó mỗi bà Chẩm là nữ. Tương quan lực lượng bất lợi cho ta. 6 đồng chí quyết định rút vào hầm và gài mìn định hướng trước cửa hầm. Khi bộ binh địch tiến sát cửa hầm thì cho mìn nổ.

Ngay khi quả mìn phát nổ, bà Chẩm bất ngờ lao từ trong hầm ra, ôm súng K43 vừa chạy vừa bắn liên tiếp vào địch nhằm thu hút xe tăng, bộ binh địch đuổi theo bắt sống. Xe tăng địch đuổi theo và ngay lập tức mắc vào bãi mìn chống tăng đã được gài sẵn trước đó. Một chiếc xe tăng bị lật văng cùng xác chết quân thù nằm la liệt. Sau phút giây sinh tử đó, có một bài báo đã ca ngợi bà Chẩm với tít “K43 đánh lui xe tăng”.

“Lúc đó tôi nghĩ, nếu mình không lao ra thì chỉ có một cách duy nhất như trước đã xác định là nổ bom tự sát chứ quyết không để địch bắt”– bà Chẩm trầm tư nhớ lại.

40 năm chữa bệnh cứu người

Năm 1973, khi quê nhà được giải phóng, bà Chẩm được cấp trên cử đi học lớp y tá đầu tiên tại huyện Vĩnh Linh. Với một lòng mong muốn trở về phục vụ cho xã nhà, dù được điều về bệnh viện tuyến trên công tác nhưng bà Chẩm đã khăn gói trở quê hương công tác tại trạm xá xã Trung Hải cho đến lúc nghỉ hưu.

Nay ở tuổi 64, tóc bạc nửa mái đầu, cái tuổi đáng ra và phải được nghỉ ngơi an dưỡng tuổi già. Nhưng bà vẫn ngày đêm đạp xe ngược xuôi để chữa bệnh cứu người mà không cần một đồng lệ phí. “Tui còn khỏe được ngày nào, tui sẽ đi chữa bệnh cho bà con lối xóm ngày đó”– bà cười hiền.

Bước ra từ cuộc chiến tranh ác liệt, trải qua bao lần giữa ranh giới sự sống và cái chết, chứng kiến bao mất mát đau thương của quê hương, bà thấu hiểu rằng “quê mình còn nghèo lắm, giúp được gì cho bà con, cho xã hội thì tôi sẽ gắng hết sức chứ chẳng nề hà gì. Mong sao nước nhà ngày càng phát triển, con cháu được sống trong yên ấm đủ đầy”.

Sau năm 1973, ngoài làm y tá trạm y tế xã Trung Hải, bà Chẩm còn làm cộng tác viên ban kế hoạch hóa gia đình và tham gia rất nhiều hoạt động xã hội khác. Những đóng góp của bà đã được ghi nhận vào năm 2007, bà được nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình trao giải KOVA, giải thưởng cho những tấm gương tiêu biểu trong cuộc sống xã hội.

Ông Bùi Ngọc Quyền - Phó Chủ tịch xã Trung Hải tự hào nói: “Dũng sĩ Hoàng Thị Chẩm không chỉ giỏi trong chiến đấu mà còn giỏi trong các công tác xã hội, giúp đỡ người khó khăn khi gặp hoạn nạn, ốm đau. Cuộc đời, sự nghiệp của bà Chẩm là tấm gương sáng cho con cháu học tập, noi theo”.