Bắt thêm đối tượng trong băng nhóm Minh “sâm”
Như vậy, liên quan đến vụ án “cưỡng đoạt tài sản” mà các đối tượng hoạt động có tổ chức làm ăn kiểu xã hội đen do Nguyễn Ngọc Minh (tức Minh “sâm”), Giám đốc Cty TNHH Đại An và Nguyễn Thành Hưng (tức Hưng “sóc”), Giám đốc Cty TNHH Thành Hưng Bắc Ninh cầm đầu, đến nay cơ quan CSĐT Bộ Công an đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can bắt tạm giam 10 đối tượng về hành vi “cưỡng đoạt” tài sản.
Lãnh đạo Bộ Công an cho biết, đến nay đã khẳng định các đối tượng có hành vi “cưỡng đoạt tài sản” và “tàng trữ vũ khí trái phép”. Ngoài ra, cơ quan điều tra sẽ xem xét thêm các hành vi buôn lậu gỗ, trốn thuế nếu phát hiện có dấu hiệu nghi vấn.
Trước đó, chiều 13.8, tại Từ Sơn, Bắc Ninh, hơn 100 chiến sĩ trinh sát Bộ CA đã tiến hành bắt giữ khẩn cấp trùm xã hội đen Minh “sâm” cùng 8 đồng phạm khác về hành vi “cưỡng đoạt tài sản”.
Cơ quan điều tra đã thu giữ được 6 khẩu súng, cơ số đạn và 1 quả lựu đạn.
Băng nhóm hoạt động kiểu xã hội đen
Theo tìm hiểu của phóng viên, người dân địa phương cho biết, đối tượng Minh “sâm” là một nhân vật nổi tiếng Bắc Ninh. Trước khi thành lập doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất đồ gỗ mĩ nghệ cao cấp, Minh “sâm” từng nổi tiếng ở xới bạc Chùa Dận - một trong những tụ điểm đánh bạc nổi tiếng phía Bắc và bị cơ quan CSĐT Bộ Công an triệt xóa vào cuối tháng 11.2012.
Theo người dân địa phương, việc Minh “sâm”, Hưng “sóc” thành lập công ty mục đích chủ yếu để cho chúng dễ bề hoạt động, qua mặt các cơ quan chức năng. Đồng thời việc thành lập công ty của Minh “sâm”, Hưng “sóc” như là một hình thức “rửa tiền”.
Theo đánh giá của một lãnh đạo Bộ Công an, “rửa tiền” đó là hình thức hoạt động của tội phạm băng nhóm xã hội đen. Việc công ty của Minh “sâm”, Hưng “sóc” được tặng thưởng nhiều giấy khen, bằng khen và treo các tấm hình chụp các vị lãnh đạo cấp cao như để khoe về các mối quan hệ với người dân làm ăn chính là những vỏ bọc của loại hình tội phạm có tổ chức, vừa mang tính chất hình sự vừa mang tính chất kinh tế. Công ty đã tạo nên những vỏ bọc từ thiện, đóng góp này khác để che mắt các cơ quan nhà nước, chính quyền.
Nguồn tin của phóng viên cho thấy, băng nhóm Minh “sâm” hoạt động theo kiểu bảo kê, cưỡng đoạt tài sản tại chợ gỗ Phù Khê rất tinh vi. Một số người dân và cánh tài xế xe tải chở gỗ cho biết, mỗi xe gỗ khi về chợ Phù Khê thì đều bị những đàn em của Cty Minh “sâm” và Hưng “sóc” đến thu tiền từ 150 – 250 nghìn đồng tiền vào bến. Nếu tài xế hoặc chủ hàng mà không chấp hành, thì ngay lập tức bọn chúng điều các đối tượng đến gây khó dễ.
Ngoài ra, bọn chúng còn ép các chủ hàng, lái xe gỗ vào chợ bắt buộc phải sử dụng nhân công, phương tiện vận chuyển thuê từ Công ty Đại An hoặc Thành Hưng, nếu không tất cả những xe này đều không thể vào chợ và cũng không thể bốc dỡ hàng.
Người dân địa phương cũng cho biết các đầu gỗ quý như gỗ hương, gỗ trắc đều bị Công ty Đại An khống chế do Minh “sâm” làm chủ, kiểm soát khi xuất nhập vào chợ gỗ Phù Khê và đưa đi các tỉnh, nếu các chủ hàng đưa gỗ về chợ Phù Khê mà không bán cho bọn chúng thì cũng không ai dám mua vì bị bọn chúng gây khó khăn.
Mặc dù các chủ hàng gỗ bị chèn ép nhưng cũng không ai dám đứng ra tố cáo vì sợ bọn chúng trả thù.
Kể cho chúng tôi nghe về giai thoại Minh “sâm”, một chủ hàng gỗ ở chợ Phù Khê, cho biết, Minh “sâm” không chỉ là trùm gỗ mà còn thâu tóm nhiều đất nhất khu vực Từ Sơn. Dưới quyền Minh “sâm” có nhiều đàn em, gồm cả đối tượng xã hội. “Chúng tôi muốn mua gỗ đều phải qua tay ông Minh, nếu không đi đường kiểu gì cũng bị bắt vì không đủ giấy tờ”, chủ hàng cho biết.
Trao đổi với phóng viên về tình hình hoạt động của băng nhóm Minh “sâm”, một vị lãnh đạo UBND xã Phù Khê cho hay, từng có dư luận về việc các chợ gỗ do 2 công ty Đại An và Thành Hưng quản lý có vấn đề phức tạp. Tuy nhiên, cơ quan chức năng chưa tiếp nhận bất kỳ đơn thư, khiếu kiện nào liên quan đến việc này.
Hiện cơ quan CSĐT Bộ CA vẫn tiếp tục mở rộng điều tra chuyên án và làm rõ thêm một số tội danh liên quan đến hoạt động làm ăn kiểu xã hội đen của băng nhóm Minh “sâm”.