Dân Việt

Nhạc sĩ Nguyễn Lân Hùng: “Giai điệu tự hào” quên nông dân

Thanh Hà (thực hiện) 20/03/2014 10:38 GMT+7
Chương trình “Giai điệu tự hào” (phát sóng trên VTV1) đang gây được sự chú ý của khán giả. Mặc dù được đánh giá là một chương trình thành công nhưng theo nhạc sĩ Nguyễn Lân Hùng (ảnh), ông vẫn thấy “gờn gợn” vì chương trình đang… bỏ rơi nông dân.
Thưa nhạc sĩ Nguyễn Lân Hùng, sau 2 số phát sóng, “Giai điệu tự hào” đã được khán giả và dư luận cả nước quan tâm. Rất nhiều ý kiến đánh giá cao chương trình, còn ông nghĩ sao?

Nhạc sĩ Nguyễn Lân Hùng
Nhạc sĩ Nguyễn Lân Hùng

- Có thể nói “Giai điệu tự hào” rất hay, rất độc đáo, bởi chương trình mang đậm khí phách của một thời tranh đấu bằng cả xương máu và nước mắt của dân tộc. Thế nhưng sau khi xem xong chương trình, tôi cảm thấy có cái gì đó gờn gợn trong mình, nó không phẳng phiu, trôi chảy. Có cái gì đó day dứt, áy náy, cái được, cái mất chồng chéo lên nhau.

Một tiết mục trong Chương trình “Giai điệu tự hào” .
Một tiết mục trong Chương trình “Giai điệu tự hào” .

Và tôi chợt hiểu, một chương trình đã gợi lại cho ta cả thời kỳ tranh đấu để giành lấy độc lập, nhưng thời kỳ ấy chủ yếu được thực hiện ở nông thôn. Cả mặt trận sản xuất, cả chiến đấu ở nông thôn, thế nhưng Giai điệu tự hào có những ca khúc nói về nông thôn, về người nông dân nhưng lại không có đại diện người nông dân để nói về nông dân. Chương trình mời toàn những khách mời như bác sĩ, nhà văn, nhà báo, hoa hậu… nhưng họ chỉ là một nhóm người ở thành phố, đại diện cho thành phố chứ không thể đại diện và nói về nông dân được.

Tức là ông muốn lắng nghe ý kiến của chính những người nông dân nói về “Giai điệu tự hào”?

- Tôi nhớ, trong kháng chiến chống Pháp, ta đã từng có bài hát “Nông dân là quân chủ lực”, và tôi cũng còn nhớ như in hình ảnh cả làng xúm lại quanh chiếc đài Orionton cũ kỹ, nín thở để lắng nghe những giai điệu phát ra qua sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam. Ở những nơi không có điện, cũng không có cả đài, dân áp sát vào cái đài tự lắp để như nuốt từng lời ca được phát đi. Những “Bài ca 5 tấn”, “Chiếc gậy Trường Sơn”, “Quảng Bình quê ta ơi”… như rót vào tai ngọt lịm, dân say sưa hát theo… sao thời ấy, âm nhạc tuyệt vời đến vậy.

Tôi biết đã có thời, Đài Truyền hình Việt Nam lấy ý kiến rộng rãi của khán giả về các chương trình của đài, họ hỏi rất nhiều người, đủ mọi thành phần nhưng riêng với nông dân thì không ai được hỏi. Và bây giờ đến chương trình ca nhạc này, họ lại quên nông dân. Tôi không tán thành việc này, nông dân của chúng ta hiền lành chất phác nhưng cũng rất chân thành và sâu sắc.

Vậy ông muốn góp ý gì với chương trình “Giai điệu tự hào”?

- Tôi biết trong “Giai điệu tự hào” có rất nhiều bài về nông nghiệp. Bạn không biết chứ, ở thế hệ trước hết sức quan tâm đến nông dân, như là nhạc sĩ Văn Cao, hình ảnh làng quê Việt Nam hiện lên rất mượt mà, sâu lắng: “Làng tôi xanh bóng tre/Từng chuông ban chiều/Tiếng chuông nhà thờ rung/Đời đang vui đồng quê yêu dấu/Bóng cau với con thuyền một dòng sông...” (Làng tôi).

Theo tôi, ban tổ chức nên mở rộng khách mời nhiều thành phần đối tượng hơn nữa, đặc biệt dứt khoát phải có nông dân. Ban tổ chức có thể mời các khách mời về các tỉnh tổ chức ở ngoài trời hay ở một hội trường rộng lớn, có đến hàng nghìn quần chúng cùng ngồi nghe và thưởng thức. Tất nhiên điều kiện âm thanh ánh sáng sẽ không tốt bằng trong trường quay như vẫn có có giải pháp kỹ thuật xử lý được.

Tôi nghĩ nên đem chương trình về với nông dân, ban tổ chức có thể tổ chức ở mỗi tỉnh, một chương trình, một chủ đề. Và tôi đảm bảo, người nông dân sẽ ủng hộ, chương trình sẽ phát huy tác dụng, các khán giả sẽ nhìn thấy tương lai, nhìn thấy khí phách ngày xưa của cha ông để vươn lên.

Xin cảm ơn ông!

Nhà thơ, nhà báo Hồng Thanh Quang: Nên mở rộng đối tượng


Tôi hoàn toàn đồng tình với ý kiến của nhạc sĩ Nguyễn Lân Hùng, bản thân tôi là người dẫn chương trình, tôi cũng nhìn thấy vấn đề đó. Tôi nghĩ ban tổ chức chương trình cũng đã nhìn ra, cái khó cho một chương trình mới là vừa sản xuất, nhưng cũng phải vừa điều chỉnh theo từng số cho hợp lý. Nước ta có đến gần 80% dân số là nông dân, ngay bản thân tôi là con bộ đội, công nhân và cũng đã từng sống thời gian dài ở nông thôn, nhưng không vì thế mà tôi có thể nói tôi biết hết về nông thôn. “Giai điệu tự hào” nên mở rộng và có thêm nhiều thành phần đối tượng hơn nữa. Tôi nghĩ ban tổ chức chưa mời nông dân là bởi có lý do khách quan nào đó, chứ không phải là cố tình không mời người nông dân.


Ông Trần Nguyên Lãng (Bình Lục, Hà Nam): Buồn vì thiếu nhà nông


Tôi đã xem được 2 số của Chương trình “Giai điệu tự hào”, tôi thấy cũng hấp dẫn, bởi tôi được nghe lại những ca khúc mà lâu lắm rồi tôi không được nghe. Thế nhưng tôi cũng lấy làm buồn, một chương trình được xem như tái hiện bức tranh lịch sử, đời sống, văn hóa xã hội, nhưng khi đến phần bình luận của các khách mời mọi người nói hay, tranh luận sôi nổi, nhưng sao không thấy có đại diện của người nông dân nói về nông thôn chúng tôi, về cuộc sống, con người chúng tôi?


Nhạc sĩ nguyễn Thụy Kha - cố vấn chương trình:Sẽ đến với nông dân


Đây là một chương trình dài hơi, mà mới chỉ được phát sóng có 2 số, nên có thể nhạc sĩ Nguyễn Lân Hùng chưa biết hết. “Giai điệu tự hào” số 3, chúng tôi sẽ phát sóng với chủ đề về người nông dân, trong đó sẽ nói đến một nhân vật cụ thể, một bác nông dân đã sống ở dưới cống để kiếm tiền nuôi con ăn học đại học. Tôi là người tổ chức, viết kịch bản cho chương trình, vì thế có thể khẳng định những số tới, chúng tôi sẽ làm đậm về người nông dân, về sự khát khao, vươn lên của người nông dân. Số sau nữa, chúng tôi tổ chức đưa chương trình lên hẳn Mường Nhé (Điện Biên) với người nông dân. Tôi nghĩ chỉ có người vô lương tâm mới không lo cho người nông dân.

Huy Hoàng (ghi)