Trở thành con nợ vì… săn tên miền
Không ai như Khoa dám bỏ công việc làm Giám đốc marketing cho một công ty mỗi năm thu nhập nửa tỷ đồng để theo đuổi cái thú chơi (cho đến giờ chưa ai ở Việt Nam công nhận mua bán tên miền là một cái nghề)... săn tên miền.
Nguyễn Trọng Khoa và Đại tá Trương Công Thế - Phó Chính ủy Bộ tư lệnh vùng 2 Hải quân, tại buổi trao tặng các tên miền liên quan đến chủ quyền Quần đảo Hoàng Sa và Quần đảo Trường Sa ở Dinh Thống Nhất. Ảnh: T.Đ
Giờ mỗi sáng sớm, để có tiền... săn tên miền, Khoa ôm một ít bánh ít, bánh gai từ Bình Định gởi vào đi bỏ cho một số tiệm bán đặc sản Bình Định ở Sài Gòn. Từ chổ kiếm 50 triệu đồng/tháng giờ Khoa chỉ thu nhập khoảng 5 triệu đồng nhờ bán bánh ít, bánh gai. Sau giờ đi bỏ bánh, Khoa lại ôm cái máy tính lủi thủi tìm một góc trong quán cà phê quen thuộc rồi... săn tên miền! Cái thú chơi đã đẩy Khoa thành... con nợ.
Theo Khoa, cứ mỗi tháng anh phải mất gần 30 triệu đồng để gia hạn khối tài sản “ảo” tên miền của mình. Đấy là chưa kể một số tiền không nhỏ hàng tháng anh bỏ ra để mua tên miền khác.
“Vợ con oải em lắm! Giờ ăn ở không lại tốn tiền, tốn của để đi săn tên miền ai mà chịu cho nổi chứ. Đôi lúc cũng thấy mình hèn, làm thằng đàn ông mà không là trụ cột nổi gia đình. Có lúc, hai đứa nhỏ xin tiền ba mua món đổ chơi, tôi lại không cho. Thế mà, khi thấy tên miền đẹp, đúng ý mình là tôi sẵn sàng dốc tiền mua trụi lủi. Tôi mua cả 4 chấm (chấm COM, chấm NET, chấm VN, chấm COM.VN) chứ không như người ta chỉ mua một chấm (chấm COM). Một năm tiền tôi mua tên miền bằng người ta mua 10 năm. Cái thú chơi này ám ảnh ghê lắm”, Khoa trần tình.
Được hỏi, một tháng làm vài ba triệu lại tiêu gấp cả chục lần như thế thì lấy đâu ra tiền chơi tên miền? Khoa gãi cái đầu hói, cười hề hề: “Dạ, thiếu tiền gia hạn, mua tên miền thì bán đồ nhà anh ạ. Tôi đã bán hai cái xe máy rồi. Tiền của trước kia hai vợ chồng đi làm dành dụm được tôi cũng đổ vô mua tên miền hết sạch. Thậm chí, đôi khi nghĩ nếu không có vợ và hai con chắc tôi cũng bán luôn cả căn nhà”. Giờ thì hết cái để bán, Khoa bắt đầu xoay qua đi vay nợ bạn bè. Một số bạn thương tình cũng dốc túi cho Khoa mượn tiền, nhưng cũng có kẻ chạy dài vì nghĩ: “Thằng này khùng nặng lắm rồi!”.
“Tôi biết mình không khùng bỏ công ăn, việc làm, bán tài sản, vay nợ bạn bè đầu tư vào tên miền. Cái nghề này có tương lai của nó. Cho đến giờ tôi thấy mình rất cô đơn khi chọn lựa con đường này. Người thân không hiểu hết công việc tôi đang làm đâm ra quở trách, thiên hạ thì thị phi. Đôi lúc tôi thèm ngồi ăn tối chung cùng với ba mẹ, vợ con nhưng những lúc như vậy tôi đều tìm lý do để trốn tránh vì nếu ngồi ăn tối với mọi người thì y như rằng công việc của tôi lại bị lôi ra bàn luận, chê trách”, Khoa bộc bạch.
Cũng chính vì đam mê kinh doanh tên miền mà đôi lúc cứ tưởng hạnh phúc gia đình Khoa đứng bên bờ vực thẳm. Khoa đang chấp nhận thương đau để chứng minh rằng mình đang đi con đường mà anh tin rằng đúng hướng.
Bảo vệ quốc gia bằng… tên miền
Có thể nói, mặc dù ôm một khối tên miền khủng nhất Việt Nam (khoảng 1.500 tên miền), nhưng “con nợ tên miền” chưa bao giờ bán ra một tên miền nào để trả nợ. Ngay cả sự kiện ôm bản ra… đứng đường “cần tiền trả nợ” rao bán tên miền VietnamConstructionBank.com giữa tháng 3 tại Sài Gòn hay rao bán tên miền Ngân hàng Đại chúng Việt Nam tại Hội nghị tên miền quốc tế ở Las Vegas (Mỹ), Khoa cũng cho rằng đấy chỉ là chiêu PR, cảnh báo lỗ hổng tên miền khi các công ty tại Việt Nam chưa nhận thức đúng đắn về bảo vệ lợi ích thương hiệu và uy tín của công ty.
Nguyễn Trọng Khoa (phải) tại Hội nghị Tên miền quốc tế ở Las Vegas (Mỹ).
Nói về lý do theo đuổi con đường kinh doanh tên miền, Khoa cho biết đây chỉ là một việc tình cờ trong một lần lên mạng gõ tìm tên các thương hiệu nỗi tiếng của Việt Nam, nhiều sản phẩm nỗi tiếng đã không cho kết quả. Nhận thực tầm quan trọng tên miền, Khoa dăng nhập và thâu tóm dần các tên miền “gần giống” các thương hiệu nỗi tiếng.
Theo Khoa, tiêu chí quan trọng nhất của người kinh doanh tên miền là đạo đức. Trong thực tế, một số người kinh doanh tên miền dùng thủ đoạn gây áp lực với các thương hiệu lớn để trục lợi hay gây ảnh hưởng uy tín thương hiệu khác.
“Tôi không bán tên miền ra là không phải ém tên miền để làm giá với người khác. Nếu cần thiết tôi sẵn sàng gởi tên miền mình có cho họ mà không lấy một xu. Lâu nay tôi thi thoảng vẫn tặng tên miền cho doanh nghiệp, đơn vị nhất là các tên miền có ích lợi chung cộng đồng, quốc gia”, Khoa cho biết.
Thực tế, trong thời gian qua Khoa đã có nhiều nỗ lực bảo vệ nhiều tên miền có giá trị cao trên thị trường. Đây là những tài sản vô hình, góp phần bảo vệ và làm nên những thương hiệu nỗi tiếng cho kinh tế Việt Nam. Nói đoạn, Khoa chìa cho tôi xem một số thư cảm ơn của các doanh nghiệp trong nước, trong đó có Kênh truyền hình văn hóa Việt VTC10 – NETVIET khi được anh tặng hai tên miền vtc10.com và vtc10.vn. Đặc biệt, là danh sách 47 tên miền liên quan đến biên giới lãnh thổ Việt Nam mà lâu nay anh săn tìm và mua lại rồi biếu tặng Cục An ninh (Bộ Công an); Ủy ban Biên giới quốc gia (Bộ Ngoại Giao).
“Tôi luôn ý thức rằng mình có trách nhiệm rất lớn với đất nước khi bắt đầu lao vào con đường kinh doanh tên miền. Qua việc sở hữu kho tên miền tôi muốn các doanh nghiệp trong nước ý thức hơn đến lỗ hổng thương hiệu, uy tín mà chấn chỉnh kịp thời để tránh bị kẻ xấu lợi dụng. Với chủ quyền quốc gia, tôi càng phải bảo vệ. Đó là những giá trị vĩnh cửu”, Khoa thổ lộ.
Hiện Khoa đã xây dựng được 10 website và 10 tên miền để tặng cho các tỉnh, thành du lịch ở Việt Nam. Trong đó, hai tỉnh Khánh Hòa và Bình Định anh đã liên hệ để trao tặng những món qùa đặc biệt này. Dự án tên miền và website các điểm du lịch này được Khoa bỏ tiền túi đầu tư và tặng lại cho các tỉnh, thành trong cả nước bắt đầu từ cuối năm 2011.