Dân Việt

Bộ trưởng Tiến: Nên có trạm điều trị Ebola dã chiến tại sân bay

Quốc Ngọc 18/08/2014 07:02 GMT+7
Đó là ý kiến của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại buổi làm việc với Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm ở Cảng vụ Hàng không miền Nam và theo dõi diễn tập tình huống phát hiện hành khách nghi nhiễm Ebola ở cửa khẩu Tân Sơn Nhất ngày 17.8.

Khách được kiểm tra chủ yếu về từ Nigeria

Ông Nguyễn Văn Sáu - Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế TP.HCM - cho biết, kiểm dịch viên được tổ chức thành 3 ca để bảo đảm có mặt 24/24h tại khu vực cửa khẩu Tân Sơn Nhất.

Mỗi ca trực có đủ thành phần chuyên môn, gồm lãnh đạo, y bác sĩ, nhân viên xử lý y tế, lái xe. Hàng ngày, kíp trực báo cáo tình hình về phòng tổ chức hành chính của trung tâm.

Trung tâm báo cáo về Cục Y tế dự phòng, Viện Pasteur và Sở Y tế mỗi tuần và hàng tháng. Đồng thời, thông báo danh sách hành khách đến từ vùng dịch cho Trung tâm Y tế dự phòng thành phố mỗi ngày, để phối hợp địa phương theo dõi. Trong trường hợp có ca nghi ngờ, ca trực báo ngay về ban giám đốc trung tâm và thông tin sẽ đến thẳng cục, viện và sở.

Kết quả áp dụng tờ khai Ebola từ ngày 11 đến 16.8, có 33 hành khách phải khai báo y tế. Trong đó, 32 người quốc tịch Nigeria (quốc gia có dịch) và 1 khách ngoài châu Phi. Không ai có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh Ebola và tất cả đều cung cấp địa chỉ và số điện thoại liên lạc.

Ông Sáu cho biết thêm, bên cạnh phối hợp cùng công an cửa khẩu và các hãng máy bay triển khai phòng chống dịch tại sân bay, trung tâm cũng đã thống nhất với Cảng vụ Hàng hải TP.HCM, kiểm dịch y tế Vũng Tàu về quy trình phối hợp phòng chống dịch Ebola tại cảng Sài Gòn và tại vị trí phao số 0 (thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

Băn khoăn chi phí điều trị cho người nước ngoài

Về công tác chuẩn bị điều trị, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, ngoài Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, nên có thêm các trạm điều trị dã chiến tại sân bay Tân Sơn Nhất. Theo bà Tiến, TP.HCM là nơi có số khách từ Tây Phi về nhiều nhất cả nước. Do đó, nếu cần có thể huy động cả các bệnh viện ở gần sân bay như Bệnh viện Q.Tân Bình, Q.Bình Tân… vào quy trình xử trí Ebola tại cửa khẩu.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, toàn bộ khoa nhiễm D của bệnh viện đã được dự kiến dành trọn cho tình huống có bệnh nhân Ebola. Hiện đã có phòng cách ly áp lực âm để cách ly người bệnh. Các trang thiết bị phòng hộ cho nhân viên y tế đầy đủ. Thuốc men, vật tư y tế cũng đã sẵn sàng. “Không có thuốc đặc trị nên chủ yếu dự phòng máu, dịch truyền, kháng sinh và thiết bị lọc máu cho bệnh nhân”- ông Châu nói.

Trả lời câu hỏi của PV Nông Thôn Ngày Nay về chi phí điều trị cho bệnh nhân Ebola, ông Châu cho biết, theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Ebola thuộc nhóm A, là nhóm được nhà nước chi trả. Ông Châu cười: “Tuy nhiên, đối với bệnh nhân người nước ngoài, chúng tôi đang xin ý kiến chỉ đạo từ Bộ Y tế về chi phí áp dụng như thế nào, có giống bệnh nhân Việt Nam hay không?”.

  Sau gần một tuần áp dụng máy đo thân nhiệt và tờ khai Ebola tại cửa khẩu Tân Sơn Nhất (TP.HCM), đã có 33 hành khách phải khai báo y tế. Qua kiểm tra, chưa phát hiện trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh Ebola.

   Nguy cơ mắc Ebola khi đi máy bay rất thấp

Ngày 17.8, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, từ đầu năm đến nay đã có 2.127 ca mắc Ebola, trong đó 1.145 ca tử vong.

Trước lo ngại về việc du lịch theo đường hàng không đến và đi từ các quốc gia đang có dịch bệnh có nguy cơ cao làm lan truyền virus Ebola, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định "đi lại qua đường hàng không, thậm chí từ các nước đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Ebola, có nguy cơ thấp làm lây lan virus này".

Lý do là cơ chế lây truyền của virus Ebola là do tiếp xúc trực tiếp với người bệnh thông qua dịch tiết, chứ không giống như tác nhân gây bệnh lây truyền qua đường không khí như cúm, lao.
Tuấn Kiệt