Nguyên Bộ trưởng Thủy sản Tạ Quang Ngọc: Khuyến khích đánh bắt xa bờ
Có thể nói thông tư này đã khá bám sát tinh thần chỉ đạo của Chính phủ là nhằm khuyến khích đánh bắt xa bờ, không khuyến khích đánh bắt gần bờ và đặt mục tiêu hiệu quả kinh tế lên trên hết. Theo đó, chúng ta sẽ không cho vay ưu đãi tràn lan, chỉ hỗ trợ người hoạt động nghề cá hiệu quả, có khả năng tài chính và phương án sản xuất cụ thể, và đối tượng này phải được chính quyền địa phương xác nhận, giới thiệu
Tuy nhiên, tôi cũng băn khoăn việc triển khai thông tư này có đạt được tinh thần đó không bởi khâu thực hiện chính sách cần phải được minh bạch tới tận người dân- vì đây là chính sách cho vay ưu đãi nên khó tránh bị các đối tượng trung gian, cò mồi lợi dụng ngư dân (do không nắm hết chính sách) để hưởng thụ bất chính.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến: Cho vay liên kết sản xuất
Điểm lưu ý của Thông tư 22 là nếu chủ tàu tham gia liên kết sản xuất theo chuỗi thì các ngân hàng thương mại có thể xem xét cho vay không cần thế chấp trên cơ sở kiểm soát dòng tiền của chuỗi liên kết.
Thực tế, Nghị định 67 ngay từ khi mới ra đời đã được coi là động lực mạnh mẽ đối với sự phát triển của ngành thuỷ sản mà trọng tâm là phát triển đội tàu đánh cá xa bờ, đi liền với phương thức sản xuất, đánh bắt mới nhằm nâng cao đời sống ngư dân, góp phần khẳng định chủ quyền biển, đảo của đất nước.
Nhằm đảm bảo chính sách đi ngay vào cuộc sống, Bộ NNPTNT đã thành lập Hội đồng tư vấn thẩm định kỹ thuật về mẫu tàu cá, yêu cầu kỹ thuật đối với cơ sở đóng tàu, định mức kinh tế, kỹ thuật duy tu, sửa chữa định kỳ với tàu cá vỏ thép.
Bộ Tài chính thì đang xây dựng các thông tư về chính sách bảo hiểm; cấp bù lãi suất do thực hiện chính sách tín dụng và hướng dẫn một số chính sách khác của Nghị định 67.
Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch: Tính toán thay đổi công nghệ
Để chính sách cho vay vốn phát huy hiệu quả còn cần phải tính toán thay đổi công nghệ, kỹ nghệ phương thức đánh bắt cá xa bờ. Trước đây Chính phủ từng có chủ trương cho vay để đóng tàu thuyền đánh bắt xa bờ. Tuy nhiên, trong thực tiễn hiện nay có nên áp dụng phương thức Nhà nước chủ động đóng tàu thuyền phù hợp để ngư dân thuê và mua trả góp?. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn đầu tư đóng tàu lớn, cùng với đội tàu của ngư dân đánh bắt hải sản.
Ông Nguyễn Ngọc Sự - Chủ tịch Hội đồng thành viên SBIC (Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy): Đã có tàu cho ngư dân mua
Tổng công ty đã triển khai chương trình thí điểm đóng mẫu 10 tàu cá vỏ thép cho ngư dân. Đến nay đã bàn giao được 4 tàu cho các ngư dân, trong đó 2 tàu cho ngư dân tại tỉnh Nam Định và 2 tàu cho ngư dân Quảng Ngãi. Dự kiến cuối tháng 8 này, Công ty CP Công nghiệp tàu thủy Sông Đào sẽ bàn giao tiếp 2 tàu cho ngư dân tỉnh Thái Bình. SBIC đã đóng được 6 mẫu tàu cá vỏ thép mới cho các nghề khai thác, như nghề lưới rê, lưới vây, lưới kéo, chụp mực, tàu dịch vụ nghề cá và tàu câu cá ngừ…
Mặc dù mức đầu tư của tàu vỏ thép cao hơn so với tàu vỏ gỗ, song tàu vỏ thép sẽ đem lại hiệu quả kinh tế tốt hơn từ việc gia tăng sản lượng, chất lượng đánh bắt và đặc biệt là độ an toàn cao trong khai thác.