Dân Việt

Ký ức đại đội bóng hồng

26/04/2011 20:23 GMT+7
(Dân Việt) - Hơn 40 bóng hồng của đại đội Lê Thị Hồng Gấm ở Quảng Ngãi trở thành những hình tượng đẹp suốt những năm tháng đánh Mỹ. Và giờ đây, 36 năm sau ngày giải phóng, dù phải chật vật với cuộc sống, nhưng các chị vẫn luôn lưu giữ những ký ức bất tử của tuổi đôi mươi.

Bóng hồng Trại Xuân

Năm 1972, cuộc chiến tại Quảng Ngãi diễn ra ác liệt. Địch tăng cường cho Quảng Ngãi 2 trung đoàn, 2 tiểu đoàn pháo binh, 2 chi đoàn xe tăng, 1 tiểu đoàn thông tin và bảo an. Thời điểm này, Tỉnh ủy Quảng Ngãi ra chủ trương “đấu tranh phối hợp 3 mũi giáp công”.

Mùa xuân năm 1972, chị em du kích tại các địa phương của huyện Đức Phổ háo hức nhận được tin: Dưới chân dốc Ba Hầm, huyện tổ chức tuyển quân với mật danh Trại Xuân Phổ Văn.

Trại Xuân được tổ chức tại một khoảnh rừng rộng, cây cối bị phạt ngang, trơ gốc bởi bom. Ở đây có vài lán trại, võng tăng treo dưới tán lá rừng. Từ các xã tập trung về đây, phần lớn chị em du kích tuổi chỉ mười tám, đôi mươi.

“Vui lắm! Chị em các xã tới Trại Xuân rất đông. Hồi đó thời chiến, ăn uống kham khổ, nhưng sao chị nào cũng đẹp” – các chị giờ kể lại.

Đồng chí Đoàn Vinh Quang - Huyện đội trưởng Đức Phổ, tuyên bố thành lập đơn vị bộ binh. Đồng chí Võ Công Cự - Chính trị viên Huyện đội, quyết định đặt tên cho đại đội là Lê Thị Hồng Gấm – tên một người con gái Anh hùng. Ngày đầu, chị Huỳnh Thị Tư – Xã đội phó xã Phổ Ninh, được phân công làm Đại đội trưởng; chị Nguyễn Thị Đây - trợ lý dân quân Huyện đội, làm Chính trị viên, kiêm Bí thư Chi bộ.

Trong đơn vị Lê Thị Hồng Gấm, mỗi chị một tính cách - chị Mai (hiện ở xóm Hội An, xã Phổ An, Đức Phổ) suốt ngày nói cười và ca hát; chị Mạnh giao liên chạy nhanh như chim... Thế nhưng, tất cả chị em đều có một điểm chung là thương yêu nhau như ruột thịt. Nhiều hôm, 6 chị loay hoay với khẩu phần là một lon gạo mốc nấu cháo. Trong bữa ăn, chị nào cũng đặt bát đũa xuống trước để nhường cho đồng đội với câu nói chiếu lệ: “Chị ăn no rồi. Em cố ăn hết”.

Và, suốt chặng đường hành quân, nụ cười của chị em nhiều khi đã làm xao lòng người lính. “Nhiều chị tự dưng nhận được một tờ giấy pơ luya mỏng được gấp cẩn thận và nhét vào tăng võng. Đoán chắc bên trong là những lời lẽ tình cảm, các chị chỉ dám hé một chút, không dám đọc hết, và ngay lập tức vo viên bỏ vào miệng nuốt” - chị Võ Thị Hoa (SN1955), một thành viên đại đội Lê Thị Hồng Gấm ngày đó, kể lại.

Chị Hoa ở thôn An Định, xã Phổ Văn, Đức Phổ, kể lại tình yêu thời con gái của mình: “Hồi 16 tuổi đi du kích xã, chị và anh Võ làm giao liên thương nhau. Năm 17 tuổi chị vào đại đội Lê Thị Hồng Gấm, hai anh em vẫn lén thư từ. Sau ngày giải phóng, chị Hoa lập gia đình với một người con trai khác. Sau này, có dịp gặp lại “đồng chí Võ”, anh chị vẫn nhắc kỷ niệm ông tơ bà nguyệt không cho.

Vang bóng một thời

Ngày đầu thành lập đại đội Lê Thị Hồng Gấm có hơn 40 cô gái trẻ nhưng đã lập được nhiều chiến công, làm cho kẻ địch khiếp sợ.

Có trận, bọn địch coi thường đại đội nữ và tỏ ra sơ hở, co cụm lại nhiều tên. Khẩu B40 trong tay chiến sĩ Huỳnh Thị Mẫn (18 tuổi) khạc lửa. Bọn địch số chết, số bị thương bỏ chạy. Chỉ trong vòng 2 năm, đại đội đã tham gia đánh nhiều trận, tiêu diệt nhiều tên địch, thu nhiều loại vũ khí.

Tại thôn Nga Mân, xã Phổ Cường, trong một trận đánh, những nữ đại đội đã lao như cung tên vào vị trí chiến đấu, những tay súng thiện xạ đã tiêu diệt gọn một trung đội bảo an của địch.

Các chị cùng với các lực lượng vũ trang nhổ 17 chốt, kêu gọi 56 con em trở về với cách mạng, giải phóng 13.000 dân khỏi sự kìm kẹp của địch, huy động quần chúng nổi dậy truy bắt chính quyền thôn ấp, giải phóng xã Phổ Cường. Địch bị đẩy lên núi Dâu co cụm.

Chị Bùi Thị Hồng Đẹp ở thị tứ Trà Câu, huyện Đức Phổ, nhớ lại: “Chống càn, địch vào 50m là nổ súng. Phục kích, đợi địch vào 15m là tiêu diệt” – đó là mệnh lệnh của đại đội. Trận đánh vào giữa năm 1972, đại đội phối hợp với đơn vị 120 chặn địch cắt đường tiếp tế.

Địch và chị em gần như giáp lá cà và chỉ còn cách con đường tàu. Vậy nhưng, đơn vị vẫn bám trụ cả ngày đêm. Mỗi khi địch xông lên là bị đạn quật ngã. Trận này, chị Cầu đã bị thương nặng.

---------------

Đón đọc kỳ 2: Hoa khôi giữa đạn bom

Cùng bạn đọc

Do ưu tiên cho thời sự kỷ niệm 36 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, loạt phóng sự “Những hậu duệ lính Hoàng Sa” xin tạm gác và sẽ khởi đăng lại vào ngày 3.5. Mong bạn đọc thông cảm!