Dân Việt

Bán dâm nam - Đường về mờ mịt

26/04/2011 11:06 GMT+7
(Dân Việt) - Hầu hết các em “vào nghề” từ năm 14-15 tuổi. Nhiều em vì đói, nhiều em hết tiền mua thuốc chích nên “không còn gì để mất”.

Tuấn, 17 tuổi (TP.Hồ Chí Minh) khá điển trai, có nụ cười thân thiện, dễ mến. Trông em giống như bất cứ thiếu niên hiện đại nào. Nhưng em đã giang hồ lấm bụi được 7 năm trên đường phố với một “nghề” đau xót: “Bán dâm nam”.

Bỏ nhà, lang thang và bán dâm

img

Trẻ em lang thang dễ sa vào các cạm bẫy nguy hiểm (ảnh minh họa).

Tuấn không chia sẻ về quê mình, nhưng em kể bố mẹ em bỏ nhau từ năm em 6 tuổi. Một năm sau, mẹ tái giá với người khác. Bố dượng Tuấn thường xuyên đánh đập em. Buồn chán, sợ hãi, em theo mấy anh lớn tuổi hơn nhảy tàu vào TP.Hồ Chí Minh, lấy đường phố là nhà. Để tránh bị đánh và có cái ăn, Tuấn tham gia vào một băng nhóm nhỏ. Lúc đầu, Tuấn đi móc túi, trộm cắp vặt. Nhưng “tay nghề” không cao, nên nhiều lần em bị bắt, bị đánh dã man.

Một người bạn đã rủ Tuấn vào nghề dễ hơn và ít bị đánh hơn - nghề “bán dâm”. Năm đó Tuấn 14 tuổi, em sợ hãi vô cùng, nhưng rồi, Tuấn cũng nhắm mắt đưa chân. “Thế còn lương thiện hơn là trộm cắp” – Tuấn buồn buồn.

Tuấn là 1 trong 32 nam thanh thiếu niên bán dâm mà Tổ chức Cứu trợ trẻ em tại Việt Nam đã gặp gỡ và chia sẻ. Đa số các em đều xuất thân từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, có hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ lục đục, đánh mắng nên bỏ nhà đi. Nhiều em tự nhận mình là người chuyên hành nghề mại dâm nhưng nếu chỉ “đi khách” 4-5 lần/tuần thì các em coi đó là “làm thêm”, còn bình thường các em kiếm tiền bằng “mánh” khác như móc túi, lừa lọc…

Đường về mờ mịt

Hầu hết các em đều sử dụng ma tuý để quên đời và kéo dài thời gian “quan hệ” chiều ý khách hàng. Đó cũng là lý do khiến ít em nào bỏ “nghề”. Hết thuốc là lại đi khách.

Theo ông Lê Quang Nguyên (Tổ chức Cứu trợ trẻ em), các em có nhận thức về bệnh lây truyền qua đường tình dục rất thấp, thậm chí còn chẳng sợ HIV.

Các em tự tin cho rằng chỉ cần bằng mắt thường là có thể đánh giá được khách hàng có bị bệnh hay không. Đó là lý do các em luôn quy định với khách hàng khi “quan hệ” phải bật đèn. Hầu hết các em không dám thương thuyết với khách hàng dùng bao cao su mà tuỳ vào khách.

“Họ trả tiền là họ mua mình. Mình phải chiều theo các yêu cầu của họ thôi” – Tuấn giải thích đơn giản.

Các em cũng chưa bao giờ đi khám sức khoẻ. Nếu có hiện tượng viêm nhiễm đường sinh dục thì các em tự mua kháng sinh (loại nào cũng được) và vitamin C về “tự chữa”. Điều đáng lưu ý là hầu hết các em đều có bạn gái và thay bạn gái liên tục. Khi quan hệ tình dục với bạn gái cũng không dùng bao cao su để tạo “sự tin cậy”.

Trong số 32 em, từ độ tuổi 14-24, nhiều em đã có 10-15 năm lang thang trên phố. Nhưng các em đều không mơ đến đường về. Các em sợ về gia đình lại bị đánh mắng hoặc chẳng nghề ngỗng gì thì lại là gánh nặng cho gia đình. “Nhưng có một điều khá đau xót, các em đều ngầm mặc cảm về bản thân, đều cảm thấy mình bẩn thỉu, bỏ đi nên không còn hy vọng vào tương lai, cứ lang thang đến lúc nào còn sức lang thang” - ông Nguyên cho biết.

Theo ông Nguyên, nếu không có các can thiệp kịp thời để hướng dẫn các em kỹ năng sống và các nguy cơ bệnh tật thì các em vẫn còn tiếp tục buông thả bản thân và lây truyền bệnh tật ra cộng đồng.