Bức xúc chuyện người dân bị ngộ độc liên tục mà ngành chức năng các tỉnh chưa có biện pháp ngăn chặn tới nơi tới chốn, cả tuần nay, “vua tôm” Sáu Ngoãn (Bạc Liêu) đã điện thoại cho các cơ quan chức năng ở nhiều tỉnh và trực tiếp đi gõ cửa nhiều cơ quan: MTTQVN, Sở NNPTNT, Hội Nông dân tỉnh Bạc Liêu… Mục đích của ông là nhằm báo cáo tính cấp thiết và đề xuất cần có biện pháp phòng tránh kịp thời, thông tin đến người dân để họ biết rõ, tránh có thêm người ngộ độc, chết chỉ vì thiếu hiểu biết về tác hại và mức độ cực độc của con sam và cá nóc mít.
Ông Ngoãn thẳng thắn: Tuyên truyền phòng tránh HIV… hay những thứ khác thì được bố trí áp phích dày đặc. Vậy tại sao đối với một vụ việc có thể rất dễ dàng gây chết người (mà chủ yếu là người nghèo) mà chúng ta (ngành chức năng, điạ phương) lại có thể xem nhẹ như thế.
“Phải hành động, hành động ngay tức khắc, trước hết cần áp phích có hình ảnh cụ thể cho dân dễ nhận biết mà tránh xa con sam, cá nóc mít độc hại. Chúng thật sự hết sức nguy hiểm” - ông Ngoãn tha thiết đề nghị.
Thạc sĩ Phạm Giang Nam - giảng viên Trường Đại học Bạc Liêu, nhấn mạnh: Hiện tại, thông tin về con sam hay con cá nóc mít với người dân rất mù mờ. Bởi thế rủi ro, cái chết cứ rình rập họ và chẳng ai trong số họ có thể nhận biết để cảnh báo đó là thuỷ sản độc. Vì vậy, cần đẩy mạnh tuyền truyền, chú ý khâu phát tờ rơi và tuyên truyền miệng là cần thiết, tránh sự việc đáng tiếc xảy ra khi 2 loại cá độc này đang vào mùa.
Ông Ngoãn còn nghĩ rằng, phải chi ngành y tế mở hội thảo khoa học về con sam và con cá nóc mít, qua đó, định hướng giải pháp hữu hiệu trong quản lý, phòng tránh ngộ độc cho dân và có thể xét đến khả năng y học của nó. Bởi theo ông Ngoãn, loại gì độc, thường có công hiệu y tế khác thường(?!).
Vũ Khánh