Dân Việt

Cả giáo viên và học sinh “xài” máy tỉnh bảng, dự kiến “ngốn” 4.000 tỉ

19/08/2014 13:57 GMT+7
Theo Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh, kinh phí để thí điểm đề án sách giáo khoa điện tử khoảng hơn 4.000 tỉ đồng. Mỗi giáo viên sẽ được trang bị một máy tính bảng bằng nguồn ngăn sách nhà nước. Đối với học sinh, kinh phí từ nguồn ngân sách thành phố và xã hội hóa.

Kinh phí đầu tư để xây dựng sách giáo khoa điện tử ra sao, những ảnh hưởng về sức khỏe của học sinh khi sử dụng các thiết bị điện tử, tập huấn cho giáo viên... là những nội dung được đưa ra thảo luận tại hội thảo "Giới thiệu sách giáo khoa điện tử và máy tính bảng cho học sinh tiểu học từ lớp 1 đến lớp 3" diễn ra chiều 18/8 tại Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh.

Giáo viên được trang bị máy tính bảng

Đề án thí điểm đưa sách giáo khoa và máy tính bảng vào trường tiểu học công lập TP Hồ Chí Minh đang chờ Bộ GD&ĐT phê duyệt, bước đầu dành cho học sinh lớp 1, lớp 2 và lớp 3 được thực hiện trong giai đoạn 2014-2015. Đề án này, sẽ sử dụng sách giáo khoa điện tử các môn học từ lớp 1 đến lớp 3 đã được số hóa theo công nghệ 3D từ bộ sách giáo khoa chính thức đang sử dụng, sách giáo khoa điện tử sẽ được cài đặt vào máy tính bảng để học sinh và giáo viên cùng sử dụng.

Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh ông Lê Hoài Nam cho biết, hiện nay với phương pháp dạy và học truyền thống khiến học sinh tiểu học phải đem khối lượng sách vở và đồ dùng học tập khá nặng so với sức lực và độ tuổi của các em. Bên cạnh đó, nội dung sách giáo khoa thường xuyên thay đổi, cải tiến nên phụ huynh phải mua sắm thường xuyên. Với sách giáo khoa điện tử, học sinh sẽ hạn chế được những bất cập nêu trên.

img

Giáo viên sẽ được trang bị máy tính bảng từ nguồn ngân sách.

Theo Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh, kinh phí để thí điểm đề án sách giáo khoa điện tử khoảng hơn 4.000 tỉ đồng. Mỗi giáo viên sẽ được trang bị một máy tính bảng bằng nguồn ngăn sách nhà nước. Đối với học sinh, kinh phí từ nguồn ngân sách thành phố và xã hội hóa. Theo đó, học sinh thuộc diện đối tượng chính sách sẽ được ngân sách thành phố hỗ trợ còn học sinh không thuộc đối tượng chính sách thì phụ huynh học sinh tự bỏ kinh phí mua sắm và được thanh toán trong 2 năm kể từ ngày bàn giao thiết bị cho học sinh.

Để tham gia lớp học sách giáo khoa điện tử, mỗi học sinh từ lớp 1 - lớp 3 cần trang bị một bút chấm đọc điện tử và một máy tính bảng có cài đặt sách giáo khoa điện tử và các chương trình ứng dụng dạy và học.

Ông Đào Văn Lừng, Vụ trưởng Ban Tuyên giáo T.W phía Nam cho rằng, cần ủng hộ những địa phương như TP Hồ Chí Minh mạnh dạn đầu tư đúng, đầu tư đủ cho giáo dục, làm đến đâu gỡ đến đó và cần có lộ trình. "Lâu nay học sinh chúng ta toàn học chay, không được thực hành nhiều, vẫn còn hình thức day học thầy đọc trò chép. Như vậy, việc đưa sách giáo khoa điện tử vào trường học sẽ phần nào thay đổi phương pháp dạy học thầy đọc trò chép. Tất nhiên với mô hình này chưa giải quyết được hoàn toàn mà giải quyết được tình trạng học chay môt cách cơ bản" - ông Lừng cho hay.

Cần phải có lộ trình

Nhiều ý kiến cho rằng, việc áp dụng công nghệ thông tin trong việc giảng dạy ở nhà trường là cấp thiết. Tuy nhiên, nhiều nhà trường lại tỏ ra băn khoăn như: trang thiết bị, kinh phí, tập huấn cho giáo viên ra sao, sức khỏe của học sinh có bị ảnh hưởng không khi sử dụng máy tính quá nhiều...

Hiệu trưởng trường TH Nguyễn Bỉnh Khiêm cô Lê Thị Ngọc Điệp băn khoăn: Hiện nay nhà trường đã được trang bị mang internet không dây với tốc độ rất cao thế nhưng nếu thực hiện tải chương trình đồng bộ liệu có đảm bảo được tốc độ ổn định. Còn về mặt kinh phí, theo như phương án Sở đưa ra thì trang bị một bộ thiết bị cho một lớp học khoảng 35 em mất 180 triệu đồng, nhưng hiện nay lớp học của chúng tôi đều ở mức 50 em/ lớp. Bên cạnh đó, cá nhà đầu tư nên kéo dài thời gian thanh toán chi phí mua máy cho phụ huynh.

img

Sử dụng sách giáo khoa điện tử sẽ gặp nhiều bất cập.

Trong khi đó, cô Đinh Kim Phượng, Hiệu trưởng trường THPT Chính Nghĩa cho biết, nếu đề án này được thực hiện sẽ mang lại hiệu quả thiết thực, tạo sự kích thích học tập của học sinh. Tuy nhiên, đối với trẻ từ 6 -11 tuổi khi sử dụng học tập hoàn toàn bằng máy tính trong một thời gian dài liệu sức khỏe của các em có được đảm bảo?

Phó phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh ) ông Hoàng Trường Giang đánh giá, Đề án này được thực hiện sẽ là cơ hội lớn để giáo viên tiếp cận được giáo dục hiện đại. Tuy nhiên, chúng ta cần phải có lộ trình phù hợp và tạo được sự đồng thuận của toàn xã hội. Hiện nay băn khoăn của các nhà trường việc bảo hành các trang thiết bị sẽ được thực hiện như thế nào, nếu trục trặc về kỹ thuật ai sẽ chịu trách nhiệm; Khi sách giáo khoa mới thay đổi thời gian cập nhập bao lâu; ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh ra sao; Quy trình để tập huấn cho giáo viên như thế nào, đảm bảo cho giáo viên sử dụng bảng này một cách thuần thục...

Giải đáp những thắc mắc trên, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn Tổng giám đốc AIC nói: Đối với trang thiết bị thời gian dùng bền tối thiểu trong 5 năm. Công ty có trách nhiệm bảo hành trong 5 năm. Chúng tôi sẽ đưa ra các yêu cầu đối với các đơn vị sản xuất về công tác bảo trì như thời gian bảo trì, giá rẻ nhưng chất lượng đảm bảo...

Đối tác nào có đủ điều kiện thì sẽ chọn đối tác đó. các trường có thể trực tiếp tìm được nhà cung cấp giá rẻ và chất lượng. Còn nếu sách giáo khoa thay đổi chúng tôi sẽ sẵn sàng cập nhập nhanh nhất và chỉ trong vòng 3 tháng chúng ta có một bộ sách giáo khoa thay đổi theo chương trình của Bộ GD&ĐT.