Lây qua tiếp xúc gần
Bác sĩ Nguyễn Đình Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng (Bộ Y tế) cho biết, EVD có các triệu chứng: Sốt đột ngột, mệt mỏi kéo dài, đau cơ, đau đầu, đau họng. Tiếp theo là các triệu chứng nôn, ỉa chảy, phát ban, suy gan, suy thận. Các ban phát mới đầu nhú lên giống như đinh ghim, tập trung ở nang lông, sau đó hình thành nên tổn thương ban sát da và lan rộng. Một số trường hợp bị chảy máu trong nội tạng và chảy máu cả ra ngoài theo các hốc tự nhiên (ho, đái ra máu, chảy máu cam, chảy máu âm đạo)...
Theo bác sĩ Đình Anh, tại châu Phi, virus Ebola lây truyền từ động vật sang người khi tiếp xúc với máu, chất tiết của các động vật bị nhiễm virus như tinh tinh, gorila, dơi ăn quả, khỉ, linh dương, nhím ốm, chết... Tuy nhiên, điều nguy hại là virus này sau khi truyền sang người lại tiếp tục có khả năng lây truyền từ người sang người. Cơ chế lây lan là khi người lành tiếp xúc trực tiếp với máu, các chất tiết của cơ thể (phân, nước tiểu, nước bọt, tinh dịch) của người mắc bệnh, hoặc các vết xước trên da hay niêm mạc của người lành tiếp xúc với môi trường ô nhiễm với các chất tiết của người nhiễm virus (quần áo, ga trải giường nhiễm bẩn, kim tiêm đã qua sử dụng). Do đó, quan hệ tình dục, bắt tay, thậm chí đi dự đám tang… với người nhiễm EVD đều có khả năng mang bệnh.
TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) chia sẻ, rất nhiều bệnh có triệu chứng ban đầu như EVD (sốt, mệt mỏi, đau đầu), trong đó có cả bệnh sốt xuất huyết dengue thông thường. Tuy nhiên sốt xuất huyết dengue là do muỗi truyền bệnh và không lây truyền trực tiếp từ người qua người. Nhưng nếu muỗi đốt người bị bệnh sẽ lại mang bệnh và truyền sang cho người khác khi đốt họ. Người bị sốt xuất huyết dengue có các triệu chứng đau đầu, nhức sau hốc mắt, buồn nôn, nôn, sưng hạch bạch huyết, đau mỏi cơ, xương hay khớp, phát. Khi bệnh nặng, giai đoạn biến chứng xảy ra vào ngày thứ 3-7 sau khi bệnh khởi phát như đau bụng cấp, nôn dai dẳng, chảy máu dưới da, chảy máu chân răng nếu nặng hơn có thể bị xuất huyết nội tạng nôn hoặc đi ngoài ra máu.
Cảnh giác với người từ vùng dịch
“Để phân biệt EVD với SXH dengue đầu tiên phải xác định bằng yếu tố dịch tễ. Nếu người bệnh có dấu hiệu sốt cao, mệt mỏi mà đi từ vùng có dịch về (4 nước Tây Phi) hoặc đã tiếp xúc với người đi từ vùng dịch về trong vòng từ 2-21 ngày thì cán bộ y tế mới nghi ngờ nhiễm EVD. Người bệnh sẽ nhanh chóng được cách ly và lấy mẫu đi xét nghiệm mới có thể xác định chính xác họ nhiễm virus Ebola hay bệnh khác, virus khác. Nếu chỉ sốt, đau đầu, mệt mỏi, nôn hay tiêu chảy mà không có các yếu tố dịch tễ từ vùng dịch thì cũng sẽ được theo dõi ” – TS Phu cho biết.
Theo TS Phu, ngoài bệnh SXH dengue, cần phải phân biệt EVD với các bệnh do liên cầu khuẩn lợn, nhiễm trùng huyết do não mô cầu, nhiễm khuẩn huyết và sốc nhiễm khuẩn, bệnh do xoắn khuẩn vàng da Leptospira, sốt rét có biến chứng… Các bệnh này cũng thường có các triệu chứng, sốt, mệt mỏi, xuất huyết dưới da… Nhưng nếu phải xác định yếu tố để loại trừ dần. Trước nghi ngại phòng xét nghiệm có thể sẽ quá tải nếu xét nghiệm ồ ạt, TS Phu khẳng định: “Chỉ cần 1 ca xét nghiệm thấy virus Ebola thì tất cả những người có tiếp xúc với người bệnh, có triệu chứng sốt, đau đầu, xuất huyết thì đều xác định là đã nhiễm Ebola chứ không cần xét nghiệm trên diện rộng”.