Hạ tầng chưa đồng bộ
Theo phản ánh của người dân, tại đường D26 (xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh) có nhiều đoạn đang bị hư hỏng nặng, nhiều ổ gà lồi lõm. Trên đường này không có hệ thống thoát nước nên vào mùa mưa nước thường ngập gây khó khăn cho đi lại của người dân.
Tương tự, trên đường Mương Lớn (huyện Nhà Bè) do không có hệ thống thoát nước nên thường xuyên bị ngập. Anh Nguyễn Văn Sơn (ngụ xã Hiệp Phước) cho biết: “Vào mùa nắng thì đường nhiều bụi bặm, còn lúc có mưa lớn hoặc triều cường thì đều bị ngập. Nhiều nhà ven đường thường xuyên bị nước tràn vào nhà, nhất là những tháng cuối năm”.
Trong khi đó nhiều hộ dân sống ven đường Tam Tân (xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi) cũng đang than phiền về sự xuống cấp của con đường này. Đây là xã NTM nhưng do đường thuộc quy hoạch khu đô thị tây bắc Củ Chi nên chưa nâng cấp, xây dựng được. Tương tự tại nhiều khu vực nông thôn có nhiều tuyến hẻm, đường giao thông đã xuống cấp nhưng chưa được nâng cấp, sửa chữa hoặc xây dựng mới. Điển hình như tại huyện Bình Chánh, có hơn 670 tuyến đường liên thôn, liên ấp, nhưng có đến một nửa các tuyến đường chưa được đầu tư xây dựng. Tại quận Thủ Đức hiện vẫn còn hơn 800 tuyến đường hẻm chưa được bê tông hóa.
Ứng vốn chỉ được 30%
Ông Trần Ngọc Hổ - Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM cho biết, hiện nay chỉ mới có 14/56 xã đạt tiêu chí về giao thông trong xây dựng NTM. Thành phố đang nỗ lực đến cuối năm 2014 có 42/56 xã hoàn thành tiêu chí trên để sớm hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Hổ, giao thông nông thôn thành phố vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn. Một số địa phương có công trình hoàn thành còn thấp do nguồn lực về nguồn vốn từ người dân, thành phố có hạn.
Chứng thực điều này, đại diện Sở Kế hoạch- Đầu tư TP.HCM cho biết, thành phố mặc dù đang ưu tiên vốn thực hiện bố trí cho xây dựng NTM nhưng từ đầu năm 2014 đến nay nguồn vốn đầu tư cho hệ thống đường giao thông chỉ khoảng 2.800 tỷ đồng, trong đó giao thông vùng ven khoảng 1.490 tỷ đồng. Số vốn này chỉ đáp ứng được hơn 30% so với nhu cầu.
Ông Lâm Nguyên Khôi - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch- Đầu tư TP.HCM cho rằng các địa phương và đơn vị chức năng cần huy động mọi nguồn lực tham gia xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn thành phố. Đặc biệt cần khai thác hiệu quả quỹ đất tại địa phương để có thêm nguồn vốn đầu tư xây dựng. Ông Bùi Xuân Cường - Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết sẽ xem xét lại hệ thống đường giao thông nông thôn để có hướng bố trí đầu tư xây dựng hợp lý. Bên cạnh đó sở sẽ phối hợp các đơn vị liên quan huy động các nguồn vốn để tham gia xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông nông thôn. Theo ông, quan điểm của sở là ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình mang tính cấp bách trước, đồng thời xây dựng ngay tại các tuyến đường có người dân hiến đất.