Dân Việt

Bộ GD-ĐT làm rõ "hoang mang" không chấm điểm học sinh

Tùng Anh 22/08/2014 07:00 GMT+7
Làm rõ những “hoang mang” của phụ huynh xung quanh những điểm mới trong việc đánh giá học sinh tiểu học sẽ áp dụng ngay trong năm học 2014 – 2015, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT) – bà Trần Thị Thắm cho biết, chỉ bỏ chấm điểm thường xuyên thay bằng nhận xét còn vẫn có chấm điểm theo học kỳ.
3 mức đánh giá học sinh

Bà Trần Thị Thắm cho biết, việc đổi mới đánh giá học sinh tiểu sẽ là một bước đột phá mạnh mẽ. Chúng ta sẽ thay đổi hoàn toàn từ việc đánh giá thường xuyên bằng điểm số sang nhận xét thường xuyên bằng lời. Cụ thể sẽ có 3 mức đánh giá học sinh:

Đánh giá quá trình học tập của học sinh bằng nhận xét điểm yếu, mạnh, được chưa được và chỉ có một điểm cuối kỳ, để đạt, điểm cuối học kỳ cũng phải đủ điều kiện là 5 trở lên. Kết quả học tập cũng chỉ xét hoàn thành hoặc chưa hoàn thành chứ không có xếp loại khá, giỏi, trung bình, yếu. Khen thưởng cũng chỉ khen thưởng từng mặt tiến bộ của học sinh chứ không khen thưởng “đại trà” như trước đây nữa.

Đánh giá thứ 2 là đánh giá năng lực, thứ 3 là đánh giá phẩm chất. Các đánh giá này cũng xét ở mức độ đạt và chưa đạt. Tổng hợp 3 đánh giá vào thì xét học sinh hoàn thành lớp học và chương trình cấp học.

img Ảnh minh họa

 

“Bằng việc nhận xét cụ thể học sinh, giáo viên sẽ kết hợp được với phụ huynh trong việc hỗ trợ các em gặp khó khăn trong học tập, ở các môn cụ thể để học sinh tiến bộ dần. Việc làm này sẽ giúp phát hiện và bồi dưỡng bổ sung kiến thức ngay cho những học sinh yếu chứ không đến đến cuối năm không đạt lại phải học thêm, phụ đạo” – bà Thắm nói.

Cũng theo bà Thắm, việc đánh giá bằng lời đã được thí điểm rất  thành công ở 1.447 trường tiểu học cho học sinh lớp 1 trong 1 năm qua, giảm áp lực cho học sinh về điểm số, giúp các em đến trường vui vẻ, hào hứng, phụ huynh cũng không phải lo lắng về việc “cạnh tranh” giữa con mình và con người khác.

Hiện nay, Bộ vẫn đang tổng hợp các ý kiến đóng góp để đưa ra Thông tư về việc áp dụng thực hiện trước khi khai giảng năm học mới. Đa số ý kiến của giáo viên và lãnh đạo đều hết sức đồng tình. Cũng theo bà Thắm, Bộ cũng đã gửi mẫu học bạ, mẫu sổ ghi nhật ký giáo viên về phần nhận xét để xin ý kiến các địa phương.

Giáo viên nhận xét thế nào?

Giải đáp những hoài nghi của phụ huynh về việc giáo viên có thể “khách quan” không khi phải bỏ ra công sức nhận xét thường xuyên từng học sinh hàng ngày, lãnh đạo Bộ cho rằng, việc đánh giá bằng lời sẽ vất vả hơn cho giáo viên nhưng là việc phải làm vì có lợi cho học sinh.

Nếu học sinh nào không hoàn thành bài học, khóa học thì giáo viên sẽ phải hỗ trợ trong quá trình học. Hết năm học, học sinh bị đánh giá là không hoàn thành thì giáo viên phải có trách nhiệm hỗ trợ các em học trong dịp hè. Sau khi được hỗ trợ mà vẫn không vượt qua được sự kiểm tra, đánh giá thì sẽ buộc phải ở lại lớp.
img 

Cũng theo bà Thắm, việc đánh giá hoàn thành chương trình học của từng lớp sẽ có sự luân chuyển, nghiệm thu giữa giáo viên lớp trên với lớp dưới. Ví dụ học sinh lớp 1 sẽ sẽ được đánh giá kiểm tra bởi giáo viên lớp 2 hoặc lớp 3, vì vậy giáo viên sẽ không thể vì “lười nhác” hay thiếu công tâm, vì thành tích mà cho tất cả học sinh đều “hoàn thành chương trình học” được.

Bà Thắm cho biết, riêng đối với học sinh lớp 5, hiệu trưởng chỉ đạo tổ chuyên môn ra đề kiểm tra định kỳ cuối năm chung cho cả khối; việc đánh gia sẽ có sự tham gia của giáo viên chủ nhiệm các trường THCS để nhận học sinh lớp 5 vào lớp 6 phù hợp với điều kiện của trường và địa phương.

Hồ sơ đánh giá từng năm học của mỗi học sinh sẽ bao gồm: Sổ tổng hợp đánh giá học sinh; sổ theo dõi đánh giá (là những trang nhất ký của giáo viên ghi lại những lưu ý đặc biệt về kết quả quá trình đánh giá học sinh); bài kiểm tra định kỳ cuối học kỳ I, cuối năm học; phiếu hoặc sổ liên lạc trao đổi ý kiến với phụ huynh…
Ông Vũ Đình Chuẩn – Vụ trưởng vụ giáo dục trung học (Bộ GD ĐT) nhận định: “Chúng ta đang tiến tới giúp cho học sinh mỗi ngày đến trường là một ngày vui nếu cứ đánh giá bằng điểm số, cho các cháu điểm kém thì làm sao các cháu vui được. Vì vậy, tiến tới đánh giá quá trình là một việc cần làm. Ở bậc trung học cũng sẽ tiến dần đến việc bỏ dần đánh giá “tĩnh” kiểu kiểm tra miệng, 1 tiết, 15 phút mà kết hợp đánh giá “động” bằng lời để khích lệ quá trình học tập của học sinh”