Theo số liệu báo cáo của Văn phòng Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão (PCLB) T.Ư, từ năm 2000 – 2013 cả nước đã xảy ra 250 đợt lũ, lũ quét, sạt lở làm chết và mất tích 646 người, bị thương gần 351 người, hơn 9.700 ngôi nhà bị đổ, cuốn trôi, hơn 100.000 căn nhà bị ngập, hư hại nặng. Hơn 75.000ha lúa và hoa màu bị ngập; hàng trăm ha đất canh tác bị vùi lấp; nhiều công trình giao thông, thủy lợi, dân sinh bị hư hỏng nặng nề, tổng thiệt hại ước tính hơn 3.300 tỷ đồng.
Chỉ tính từ đầu năm 2014 đến nay, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 và mưa lớn đã xảy ra các trận lũ quét và sạt lở đất trên địa bàn các tỉnh miền núi (Hà Giang, Lai Châu, Cao Bằng, Sơn La...) làm chết và mất tích 32 người, trong đó có 2 gia đình ở thị trấn Tam Đường và huyện Hoàng Su Phì bị thiệt mạng tới 5 người trong gia đình. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn T.Ư, mùa mưa lũ có thể kết thúc sớm cuối tháng 8, đầu tháng 9 (Bắc Bộ) và tháng 11 – 12 (Trung Bộ và Tây Nguyên), song nguy cơ lũ quét và sạt lở đất vẫn rất cao, đặc biệt là các tỉnh như: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn… Chỉ tính riêng 10 tỉnh đã có tới 10.266 điểm có nguy cơ sạt lở đất và 2.110 điểm có nguy cơ cao có khối lượng trượt lớn, rất lớn.
Trưởng Ban chỉ đạo PCLB T.Ư, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát cho biết, trong tổng số người chết do lũ, lũ quét, sạt lở đất gây ra có từ 50 – 70%, nguyên nhân là do đi qua dòng nước xiết, người dân chủ quan. “Chính vì vậy trong thời gian tới, các địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, việc tuyên truyền phải đến từng người dân, với nhiều hình thức khác nhau, khi người dân hiểu thì mới giảm được những trường hợp chết đáng tiếc xảy ra” – ông Phát nói.
Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nêu rõ: Mục tiêu quan trọng nhất trong phòng chống thiên tai nói chung và các loại hình thiên tai như lũ, lũ quét và sạt lở đất nói riêng là phải đảm bảo an toàn tính mạng của người dân trước, trong và sau khi thiên tai xảy ra. Do đó các địa phương cần rà soát những điểm có nguy cơ cao về lũ ống, lũ quét và sạt lở đất, trên cơ sở này xây dựng “bản đồ vùng nguy hiểm” và triển khai kế hoạch ứng phó như: Tổ chức di dời người dân vùng nguy hiểm; đầu tư các trạm quan trắc, cảnh báo sớm về thiên tai cho nhân dân.
Bên cạnh đó, về việc an toàn hồ chứa Phó Thủ tướng chỉ đạo, đối với những hồ chưa sửa chữa được, các địa phương cần đánh giá kỹ, đối với những hồ không đảm bảo, kiên quyết không tích nước, đồng thời dự báo, sơ tán dân, hoặc có phương án sơ tán dân khi có nguy cơ xảy ra mất an toàn.