Dân Việt

TT-Huế: Lúa thiêng đang có nguy cơ… tuyệt chủng

An Sơn 21/08/2014 07:02 GMT+7
Là giống lúa thiêng của bản làng và có tiềm năng kinh tế lớn, nhưng lúa ra dư của người dân các dân tộc ở A Lưới (Thừa Thiên- Huế) đang mất dần theo thời gian.  

Báu vật Giàng ban

“Đó là báu vật mà Giàng (Trời- PV) ban tặng cho dân bản. Mình chưa thấy loại gạo nào thơm, dẻo và bùi như gạo của cây lúa ra dư”- cán bộ nông nghiệp xã Hồng Quảng - Hồ Văn Ngực tự hào về cây lúa thiêng. Theo ông Ngực, lúa ra dư gắn liền với truyền thuyết có từ ngàn xưa của các đồng bào dân tộc Pa Kô, Cơ Tu, Tà Ôi ở miền sơn cước A Lưới.

Thuở xưa, thương dân bản đói khổ nên Giàng ban tặng giống lúa ra dư. Giống lúa này không cần phải chăm sóc và không bị sâu bệnh, gạo lại vô cùng thơm ngon, nên cuộc sống của dân bản ngày càng đi lên.

Ông Lê Thanh Khâu- cán bộ mặt trận thôn 1 (xã Hồng Quảng) cho biết, trước đây, lúa ra dư chủ yếu được dân bản trồng ở các vùng đất ven sông, suối. Về sau, do sự thay đổi của thổ nhưỡng và do các vùng đất ven sông, suối bị xói lở nên người dân đưa giống lúa này lên trồng ở nương rẫy.

Lúa được trồng từ tháng 4 - 5 âm lịch hàng năm và tháng 10 -11 thì thu hoạch. Giống lúa này ít cần dinh dưỡng và kháng bệnh tốt nên không phải bón phân, phun thuốc trừ sâu mà vẫn phát triển tốt.

Theo ông Khâu, gạo ra dư thường được dân bản dùng làm vật phẩm để cúng Giàng, cúng Thần Lúa trong các dịp lễ hội của đồng bào các dân tộc nơi đây. Loại gạo này cũng được người dân dùng để nấu cơm tiếp đãi khách quý, nhất là rể quý. “Ra dư có ý nghĩa thiêng liêng trong đời sống tinh thần của dân bản, nó làm nên bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc nơi đây”- ông Khâu nói.

Đang có nguy cơ… tuyệt chủng

Phải sau nhiều giờ rong ruổi ở Hồng Quảng, tôi mới gặp được một hộ dân hiện còn trồng giống lúa thiêng này là gia đình chị Hồ Thị Mười ở thôn 1. Chị Mười cho biết, gia đình chị hiện trồng 2 sào ra dư, mỗi vụ cho thu hoạch khoảng 3 tạ. “Năng suất ra dư thấp hơn các giống lúa mới hiện nay nhưng giá trị kinh tế rất cao, mỗi kg gạo ra dư bán được 100.000 đồng”- chị Mười kể.

Theo ông Hồ Văn Ngực, trước đây người dân ở xã trồng lúa ra dư rất nhiều, nhưng nay số hộ trồng chỉ còn rất ít. Hiện toàn xã có 510 hộ dân thì số hộ trồng ra dư chỉ trên đầu ngón tay. Nguyên nhân là do đồng bào các dân tộc nơi đây vẫn phải chịu áp lực lớn về lương thực cho gia đình nên họ phải trồng các giống lúa năng suất cao hơn.

Gạo ra dư có giá bán cao nhưng hiện lượng người mua loại gạo này không nhiều, vì chỉ những gia đình có điều kiện kinh tế mới dám mua để ăn, trong khi việc đưa gạo này xuống miền xuôi tiêu thụ vẫn chỉ là ý tưởng.

Theo Phòng Nông nghiệp huyện A Lưới, từ năm 2004, phòng này đã phối hợp với các cơ quan khoa học tuyển chọn nhằm phục tráng để mở rộng diện tích lúa ra dư. Tuy nhiên, đến nay, trong số 840ha lúa rẫy ở A Lưới, ra dư chỉ còn chiếm chưa đến 10% diện tích.

Ông Lê Ngọc Toàn- chuyên viên Phòng NNPTNT huyện A Lưới- cho biết: Ra dư đang mất dần theo thời gian và nếu không có những biện pháp kịp thời thì giống lúa này sẽ tuyệt chủng. Theo ông Toàn, để cứu giống lúa thiêng này, vấn đề cần kíp hiện nay là phải mở rộng sản xuất lúa ra dư thành sản phẩm hàng hóa, tạo thương hiệu gạo ra dư của A Lưới trên thị trường. “Làm được điều đó không chỉ giúp bảo tồn nguồn gene quý hiếm mà còn nâng cao đời sống cho dân bản”- ông Toàn nói.

 Tuy là giống lúa cạn trồng trên nương rẫy nhưng ra dư cho năng suất khá cao từ 29 - 30 tạ/ha, có khả năng chịu hạn tốt và ít bị sâu bệnh. Gạo ra dư ngon, thơm, ngọt, dẻo, có giá bán cao, nên cho thu nhập cao gấp 2-3 lần so với các giống lúa khác.