Dân Việt

Những "đối thủ" chẳng hề kém cạnh ĐH Harvard tại châu Á

21/08/2014 10:24 GMT+7
Tại sao phải đi học ở Harvard trong khi vẫn có những trường hoành tráng không kém Harvard tại châu Á? - Forbes đặt vấn đề.

Tạp chí Forbes khẳng định những trường đại học hàng đầu châu Á như Đại học Hồng Kông, Đại học Bắc Kinh hoàn toàn có thể cạnh tranh với Harvard. 

Tại sao phải đi học ở Harvard trong khi vẫn có những trường hoành tráng không kém Harvard tại châu Á? - Forbes đặt vấn đề.

Trong đánh giá xếp hạng gần đây nhất của Tổ chức Hợp tác kinh tế & Phát triển (OECD), tiến hành trên nửa triệu người trẻ thuộc 65 nước, sinh viên Thượng Hải, Singapore, Hồng Kông, Đài Bắc và Hàn Quốc - dẫn đầu điểm số các môn toán và khoa học. Cuộc thi Olympic Toán quốc tế hàng năm còn ghi nhận các thí sinh Trung Quốc đại lục giữ vị trí đầu bảng 8 lần trong 1 thập kỷ đi thi, trong khi Hàn Quốc có thí sinh đứng trong top 5 của cuộc thi.

Các trường đại học ở châu Á xưa nay tập trung đào tạo sinh viên trong nước, nhưng hiện nay đang ngày càng được sinh viên quốc tế biết đến. Nhiều trường đã mở các chương trình hợp tác với các đại học ở Mỹ, trong đó có các trường đại học nổi tiếng như Columbia và Duke.

Năm 2012, có 53% sinh viên Mỹ chọn theo học các chương trình giáo dục châu Âu; chỉ có 12% trong số đó đến học ở châu Á.

Song, đó đã là chuyện cũ.

Theo tạp chí Forbes, các trường ở châu Á thường ít được để ý tới trong khi chính những trường này có nhiều lợi thế cho sinh viên châu Á như học phí rẻ, gần gũi về văn hóa và cơ hội tham dự lớp học tại trường đại học hàng đầu thế giới.

Dưới đây là 6 trường đại học châu Á xứng tầm cạnh tranh với các trường hàng đầu của châu Âu, theo nhận định của Forbes:

1. Đại học Quốc gia Singapore (NUS)

Đại học Quốc gia Singapore (NUS) là trường số 1 ở châu Á năm 2014, theo bảng xếp hạng thường niên các trường đại học trên thế giới (QS World University Rankings).
img
Đại học Quốc gia Singapore và Đại học Standford. Ảnh: Forbes

Xuất phát ban đầu là một đại học y khoa thành lập năm 1905, NUS hiện tại là đại học đa ngành lớn nhất ở Singapore. Chính phủ Singapore đang đẩy mạnh quốc tế hóa NUS.

Trường đã có cơ sở ở Thung lũng Silicon, Philadelphia, Thượng Hải, Bắc Kinh, Stockholm, Ấn Độ và Israel. Năm 2005, NUS đã phối hợp với đại học Duke của Mỹ đào tạo và cấp bằng y khoa. Năm ngoái, NUS đã bắt đầu hợp tác đào tạo sinh viên với đại học Yale danh tiếng của Mỹ.

2. Đại học Hồng Kông (HKU)

Được mệnh danh là “Đại học Columbia ở Hồng Kông”, đại học Hồng Kông (HKU) được thành lập từ năm 1911 khi đặc khu này còn là thuộc địa của Anh.
img
Đại học Hồng Kông và Đại học Columbia. Ảnh: Forbes

HKU vẫn giữ được sự hiện diện quốc tế mạnh mẽ của mình và là trường nổi tiếng có nhiều sinh viên quốc tế theo học. Chỉ năm 2012, trường này có khoảng 6.800 sinh viên theo học. Năm 2008, HKU nằm trong nhóm 50 trường đại học danh tiếng trên thế giới.

3. Đại học Seoul

Đứng hạng 4 ở châu Á và hạng 35 trên thế giới theo bảng xếp hạng QS World University Rankings 2013, Đại học Quốc gia Seoul là đại học công lập uy tín và danh giá nhất Hàn Quốc. Trường được thành lập năm 1946.
img
Đại học Seoul và Đại học Pennsylvania. Ảnh: Forbes

Để được theo học ở trường này, sinh viên Hàn Quốc phải vượt qua kỳ thi đại học cạnh tranh khốc liệt hằng năm. Sinh viên năm nhất của trường này nằm trong nhóm 2,5% sinh viên có số điểm cao trong kỳ thi đại học hằng năm ở Hàn Quốc.

Đại học Quốc gia Seoul đã có chương trình trao đổi sinh viên với Đại học Pennsylvania (UPENN), Viện Yenching của đại học Harvard, ĐH Stanford và Đại học Yale. Đại học Quốc gia Seoul mạnh về chương trình đào tạo kinh doanh.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon là cựu sinh viên của trường này.

4. Đại học Bắc Kinh (Peking University - PKU)

Đại học Bắc Kinh (PKU) thành lập năm 1898, là một trong những trường nổi tiếng ở châu Á. Được xem là “Đại học Yale ở Trung Quốc”, PKU là ngôi trường ước mơ của đại đa số sinh viên ở Trung Quốc. PKU trong những năm qua đã mở rộng các chương trình nghiên cứu quốc tế nhằm thu hút sinh viên từ Mỹ và châu Âu the6o học.
img
Đại học Bắc Kinh và Đại học Yale. Ảnh: Forbes

Đại học Bắc Kinh mạnh nhất trong các chương trình đào tạo về khoa học xã hội và nhân văn.

5. Đại học Tokyo (UTokyo)
Là trường đại học danh giá nhất Nhật Bản, đại học Tokyo (UTokyo) được mệnh danh là “Đại học Cornell của Nhật Bản”. Tiền thân của ngôi trường này là trường Y khoa của chính phủ Minh Trị, sáp nhập cùng một tổ chức giáo dục phương Tây năm 1877.
img
Đại học Tokyo và Đại học Cornell. Ảnh: Forbes

UTokyo nổi tiếng với các chương trình đào tạo liên quan đến chủ đề tế bào gốc, y tế và khoa học nông nghiệp. Đây là ngôi trường có sáu bộ trưởng và bảy người đoạt giải Nobel vốn là cựu sinh viên của trường.

Từ cuối năm 2012, đại học Tokyo khởi động chương trình đào tạo cử nhân quốc tế PEAK ở hai chuyên ngành là nghiên cứu Nhật bản trong khu vực Đông Á và khoa học môi trường. Cả hai chuyên ngành này học bằng tiếng Anh.

6. Đại học Thanh Hoa (Tsinghua University)

Được coi là viện nghiên cứu các môn khoa học cơ bản dẫn đầu châu Á, đại học Thanh Hoa thường được giới sinh viên gọi là “Viện MIT của Trung Quốc”.
img
Đại học Thanh Hoa và Đại học MIT. Ảnh: Forbes

Thành lập năm 1911, đại học này có thế mạnh về các ngành kỹ thuật và khoa học tự nhiên. Đây cũng là lò đào tạo nhiều nhân vật chính trị tầm cỡ tại Trung Quốc.

Hằng năm chỉ có 3.300 sinh viên được tuyển chọn trong tổng 8 triệu đơn dự thi. Khoảng 90% sinh viên nhập học theo nghiên cứu các môn khoa học cơ bản. Năm 2013, trường này đã mở học bổng Schwarzman nhằm tuyển chọn 160 sinh viên nước ngoài theo học tiến sĩ các ngành chính sách công, quan hệ quốc tế, kỹ thuật và kinh tế. Chương trình này tuyển ban cố vấn là những thành viên của các trường đại học Harvard, Yale, Princeton và Duke.