Dân Việt

Tây Nguyên có 7.680 già làng uy tín

Nguyễn Thùy Hương 17/04/2014 07:11 GMT+7
Ngày 15.4, tại TP.Đà Lạt (Lâm Đồng), Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng phối hợp với Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) tổ chức tọa đàm về vai trò của già làng, phụ nữ và trí thức các DTTS vùng Tây Nguyên.
Theo báo cáo của Viện KHXH vùng Tây Nguyên, 25 năm qua, các yếu tố tác động bên ngoài chỉ làm mất đi một phần vai trò truyền thống của già làng, hiện tồn tại ở Tây Nguyên nhóm xã hội già làng điển hình nhất trong cả nước khoảng 7.680 người, với tuổi đời trung bình từ 53-87. Đây là nhóm người có uy tín trong cộng đồng và thể hiện rõ các vai trò phản ánh chức năng duy trì, bảo tồn phong tục tập quán, văn hóa dân tộc và hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội…

Già làng Rah Lan Buk (SN 1945), là một trong những già làng có uy tín ở làng Plei Chư Pố II, xã Ia Phang, huyện Chư Pưh (Gia Lai).
Già làng Rah Lan Buk (SN 1945), là một trong những già làng có uy tín ở làng Plei Chư Pố II, xã Ia Phang, huyện Chư Pưh (Gia Lai).

Theo PGS-TS Trương Minh Dục, Phân viện Chính trị quốc gia TP.Hồ Chí Minh tại Đà Nẵng, già làng ở khu vực Tây Nguyên là những trụ cột quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển cuộc sống mới trong cộng đồng. “Già làng nói - dân làng nghe, già làng hô - dân làng hưởng ứng, già làng làm - dân làng làm theo, đó chính là câu nói phổ biến ở khu vực này”- ông Dục nhấn mạnh.

PGS- TS Bùi Văn Đạo - Viện trưởng Viện KHXH vùng Tây Nguyên cho rằng: Cần có chính sách riêng và thỏa đáng cho già làng Tây Nguyên để có thể phát huy hết vai trò của già làng trong phát triển bền vững; cần coi già làng là nhóm người có uy tín đặc biệt, có những vai trò, chức năng, nhiệm vụ quản lý xã hội riêng và lớn hơn so với người có uy tín; tách già làng thành đối tượng riêng để có chế độ đãi ngộ riêng; đồng thời xuất phát từ vai trò đặc biệt của già làng, từ nguyện vọng của người dân và các già làng, cần có chế độ đặc thù cho già làng Tây Nguyên, giải quyết để già làng hưởng phụ cấp hàng tháng từ ngân sách nhà nước.