PV đã tìm gặp ông Bính khi cái nóng hầm hập từ mái nhà dội xuống, và tiếng hét từ căn buồng vọng ra càng làm cho không khí thêm ngột ngạt…
Từ người trình báo tội phạm thành tội phạm
Ngày 29.7.2014, TAND huyện Phúc Thọ, Hà Nội đã xét xử sơ thẩm đối với ông Đặng Hồng Bính (xã Vân Nam, Phúc Thọ, Hà Nội) với hành vi “Tội vu khống”.
Theo cáo trạng của Viện KSND huyện Phúc Thọ, ông Bính có con gái là Đặng Thị Hạnh, bị tâm thần bẩm sinh. Khoảng tháng 3.2013, gia đình ông Bính phát hiện Hạnh mang thai. Ông Bính nhiều lần hỏi Hạnh, ai làm cho mang thai, Hạnh nói là “Tám Tâm” nên ông Bính nghi ngờ ông Trần Văn Tám (vợ là Bùi Thị Tâm, người cùng xóm) làm cho Hạnh mang thai.
Sau khi Hạnh sinh cháu Đặng Anh Tú, ông Bính cho rằng Tú có nhiều nét giống ông Tám nên càng nghi ngờ ông Tám. Ông Bính đã làm đơn gửi UBND và Công an xã Vân Nam, đề nghị làm rõ việc Hạnh mang thai.
Ông Bính giọng như nghẹn lại: “Những ngày ấy cả nhà tôi hoảng loạn, vợ chồng lục đục,… mọi người hỏi cháu ai làm cho có con, nó bảo “Tám Tâm” - Ở đâu? Nó bảo “chuồng bò”. Bởi thế, ông Bính nghi ông Trần Văn Tám (vợ là Bùi Thị Tâm), người cùng xóm làm cho Hạnh có thai.
Ông giải thích: "Tôi quyết làm cũng để nếu như ông Tám không phải là bố của cháu Tú thì ông ý cũng thanh thản, không mang tiếng oan”. Vậy mà ai có ngờ chính từ lá đơn ấy, ông Bính lại vướng vào vòng lao lý.
Những câu hỏi còn bỏ ngỏ
Quay trở lại phiên tòa sơ thẩm xử ông Đặng Hồng Bính ngày 29.7, đối đáp với đại diện VKS giữ quyền công tố tại phiên tòa, luật sư Nguyễn Thị Hước (Công ty Luật Bảo Bình – người bào chữa cho ông Bính) cho rằng: Ông Bính có quyền trình báo tội phạm theo quy định tại Điều 101 của BLTTHS; trong thời hạn 20 ngày, cơ quan điều tra phải ra quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án. Tuy nhiên sau khi nhận được đơn của ông Bính, Cơ quan CSĐT huyện Phúc Thọ không có văn bản nào thông báo cho ông Bính về việc khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự.
Mặt khác việc Hạnh cho là bị tâm thần, nhưng chưa hề có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền giám định về tâm thần hoặc bản án của tòa án tuyên Hạnh bị mất năng lực hành vi dân sự nhưng cơ quan điều tra lại không lấy lời khai của Hạnh là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Luật sư Hước phân tích, khoản 1, Điều 122 Bộ luật Hình sự quy định về “tội vu khống”. Theo đó “tội vu khống” phải có một trong các dấu hiệu: Bịa đặt những điều không có thật; loan truyền những điều biết rõ là không có thật; bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền. Đối chiếu với các dấu hiệu trên thì hành vi của ông Bính không cấu thành “tội vu khống” vì: Thứ nhất, ông Bính nghe Hạnh nói nên nghi cho ông Tám mà làm đơn chứ không phải ông Bính bịa ra để tố cáo ông Tám; thứ hai, ông Bính không biết điều Hạnh nói là có hay không có và cũng không loan truyền; thứ ba, việc Hạnh có con là có tội phạm xảy ra, chứ không phải ông Bính tố cáo tội phạm không có thật.
Ông Tám không phạm tội thì phải có một người khác thực hiện hành vi tội phạm. Vậy ai là bố của cháu Tú, Cơ quan điều tra phải có trách nhiệm điều tra để tìm ra tội phạm. Hơn nữa khi nghi ngờ kết quả giám định có sai sót, ông Bính có quyền yêu cầu giám định lại theo quy định tại Điều 158 BLTTHS.
Luật sư Hước đặt câu hỏi: Nếu như người dân trình báo tội phạm rồi lại bị truy tố về tội vu khống thì còn ai dám tố giác tội phạm? Tuy nhiên HĐXX cho rằng ông Bính liên tục có đơn nghi ngờ ông Tám làm cho Hạnh mang thai khiến hàng xóm bàn tán, nghi ngờ ông Tám, gia đình mâu thuẫn…, hành vi đó đã xâm phạm đến uy tín, nhân phẩm của ông Tám, đủ yếu tố cấu thành “tội vu khống” nên TAND huyện Phúc Thọ đã tuyên xử ông Bính 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo và buộc ông phải bồi thường cho ông Tám 11.500.000 đồng tiền tổn thất tinh thần.
Rời phiên tòa trong nước mắt, bà Hợi nói với PV: "Nhà tôi chỉ trông vào mấy sào ruộng và đồng lương trợ cấp thương binh của ông ấy, vừa phải nuôi mẹ già gần 90 tuổi, vừa nuôi mẹ con cháu Hạnh và 3 đứa con đang đi học. Bây giờ ông Bính bị tòa xử vậy, cả nhà biết nương tựa vào đâu".