Anh Đức- nhà văn của những tác phẩm giảng dạy nhiều trong trường học và dựng thành phim như “Hòn đất”, “Một chuyện chép ở bệnh viện”, “Bức thư Cà Mau”… đã trút hơi thở cuối cùng vào tối 21.8 tại TP.HCM, hưởng thọ 79 tuổi.
Nhà văn Anh Đức, tên thật là Bùi Đức Ái, sinh ngày 5.5.1935 tại xã Bình Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang. Ông được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh vào năm 2000 do những đóng góp với văn học Việt Nam trong giai đoạn cách mạng. Tác phẩm của ông không nhiều, nhưng mọi thế hệ người đọc Việt Nam suốt nửa thế kỷ qua không thể quên tiểu thuyết “Hòn đất” với hình tượng nhân vật chị Sứ hoặc “Một chuyện chép ở bệnh viện” với hình tượng nhân vật chị Tư Hậu, nhân vật sau đó làm nên tên tuổi của nữ nghệ sĩ Trà Giang trong phim “Chị Tư Hậu”.
Nhà văn Anh Đức khởi nghiệp là biên tập viên Báo Cứu Quốc Nam Bộ. Năm 1957, ông gia nhập Hội Nhà văn Việt Nam. Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, ông gắn bó với công việc viết văn và nghề làm báo với chức vụ Tổng Biên tập Báo Văn Nghệ Giải Phóng; ủy viên Ban Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam. Sau năm 1975, có thời gian Anh Đức là ủy viên Ban Thư ký Hội Nhà văn TP.HCM; Tổng Biên tập tạp chí Văn...
Anh Đức sinh ra và lớn lên ở An Giang. Trong tứ giác Long Xuyên, An Giang là mảnh đất sinh ra nhiều tài năng văn nghệ. Có lẽ do phong cảnh ở xứ này trữ tình, nơi hội tụ của nhiều nguồn văn hóa dân gian, Việt - Khmer - Hoa. Văn phong của Anh Đức cũng giống như con người ông, được đánh giá là điềm đạm và thanh thoát, hiền lành chân chất như đất, như lời chuyện trò rủ rỉ tâm tình của người Nam Bộ. Từ những truyện ngắn đầu tay của ông, nhà văn Đoàn Giỏi từng dự đoán ông sẽ còn tiến xa trong văn nghiệp. Với đề tài chính của các nhà văn thời bấy giờ là cuộc kháng chiến chống Mỹ, Anh Đức được đánh giá là không thi vị hóa cuộc chiến mà tìm ra nét đẹp của con người trong hoàn cảnh tàn bạo nhất của chiến tranh.
Anh Đức không bao giờ kể chuyện chay, những lời đại ngôn, mà bằng những chi tiết. Ngôn ngữ của ông được chọn lọc, khi sử dụng phương ngữ thường dùng những từ nêu bật nét đặc sắc của vùng đất. Trong “Bức thư Cà Mau”, những đoạn viết về cách đốt than, những chi tiết như “người thợ đốt lò ngửi mùi xem than đã chín chưa” hay “vốc bụng nước U Minh đỏ ngầu như rượu vang”... đều được đánh giá rất cao.
Trong số các nhà văn Việt Nam, nhà văn Anh Đức là một trong những người có nhiều tác phẩm được đưa vào giảng dạy ở chương trình văn học phổ thông nhất. Các tác phẩm “Giấc mơ ông lão vườn chim”, “Hòn đất” (trích đoạn) và “Bức thư Cà Mau” (trích đoạn) đã gắn bó với bao nhiêu thế hệ học trò. Những trang viết mang đậm phong vị miền Nam của ông đã mang đến cho độc giả cả nước một cái nhìn sâu tận gốc rễ cốt cách, văn hóa sống của những người con đất Việt ở phía Nam của Tổ quốc.
Vĩnh biệt ông, khép lại một đời văn hiền lành thật thà như đất, nhưng trong ký ức của nhiều thế hệ bạn đọc, Anh Đức vẫn còn ở đó, giữa những trang văn.