Ông Tú cho biết, để hạn chế những nguy cơ do hồ, đập, đê điều xuống cấp gây ra, Bộ sẽ tiếp tục đầu tư vốn để xây dựng, đặc biệt sẽ chấn chỉnh nghiêm việc chở vật liệu xây dựng, khai thác cát sỏi trái phép ảnh hưởng đến an toàn của đê.
Mùa mưa bão nước ta bắt đầu và ở một số nơi đã xuất hiện tình trạng mất an toàn về hồ đập, đê điều. Bộ NNPTNT đã có những giải pháp gì để ứng phó, thưa ông?
- Trước mùa mưa bão hàng năm, Tổng cục Thủy lợi đã hướng dẫn và cùng các địa phương kiểm tra, đánh giá hiện trạng hệ thống đê điều, xác định các trọng điểm xung yếu, dự kiến các tình huống có thể xảy ra để xây dựng phương án hộ đê đảm bảo an toàn chống lũ và chuẩn bị sẵn sàng biện pháp, nhân lực, phương tiện, vật tư theo phương châm “4 tại chỗ”, kịp thời xử lý ngay từ khi sự cố xuất hiện. Chúng tôi cũng đôn đốc các địa phương đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình tu bổ, nâng cấp đê điều kịp đưa vào chống lũ, bão; tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho lực lượng quản lý đê chuyên trách...
Đồng thời, chúng tôi đã tổ chức thực hiện và đôn đốc các địa phương tổ chức trực ban nghiêm túc theo quy định; thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống thiên tai, lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn, chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NNPTNT về tăng cường công tác quản lý đê điều và sẵn sàng hộ đê, chống lụt…
Hiện ở nhiều địa phương, hồ đập đã xuống cấp nghiêm trọng do được xây dựng từ lâu, nhưng lại thiếu kinh phí để củng cố, tu sửa. Vậy trong năm nay, những công trình nào sẽ được ưu tiên đầu tư, xây dựng?
- Để chủ động trong công tác phòng chống lụt bão nhằm đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều và làm căn cứ để xây dựng kế hoạch tu bổ đê điều thường xuyên cũng như duy tu bảo dưỡng đê điều, chúng tôi đã có hướng dẫn địa phương đánh giá hiện trạng đê điều trước mùa mưa lũ và xây dựng phương án bảo vệ trọng điểm. Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ xác định những vị trí, đoạn đê xung yếu cần đầu tư, tu bổ để đảm bảo an toàn.
Đối với những vị trí xung yếu chưa được đầu tư tu bổ, Bộ NNPTNT thông báo và đề nghị UBND các tỉnh thành phố chỉ đạo: Xây dựng, phê duyệt và triển khai thực hiện phương án bảo đảm an toàn cho các trọng điểm xung yếu đê, kè, cống theo phương châm 4 tại chỗ (vật tư tại chỗ, lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ và hậu cần tại chỗ) trong mùa lũ, bão, đồng thời tiếp tục rà soát, phát hiện các vị trí xung yếu mới (nếu có) để có phương án bảo vệ.
Thực tế cho thấy, có nhiều công trình đê điều, thủy lợi vừa mới đưa vào sử dụng đã xảy ra sự cố, trong khi đó mỗi năm nguồn vốn dành cho thủy lợi cả từ ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ, vốn vay, viện trợ lên cả chục nghìn tỷ đồng. Liệu có xảy ra tình trạng thất thoát vốn từ các công trình này?
- Về sự cố đối với các công trình đê điều, tôi cho rằng do thường xuyên phải chịu tác động của lũ, bão, triều cường, công trình lại trải dài trên phạm vi cả nước, nên tình trạng hư hỏng đối với công trình trong mùa mưa, bão là khá phổ biến. Song sự cố đối với công trình đê điều mới đưa vào sử dụng là rất hãn hữu, nhất là đối với việc tu bổ, củng cố các tuyến đê từ cấp 3 trở lên.
Đối với các công trình thủy lợi, thực tế cho thấy một số công trình thủy lợi (hồ, đập) do địa phương làm chủ đầu tư mới được củng cố, nâng cấp đã bị hư hỏng như đập Vưng (Hòa Bình), đập Hoàng Tân (Tuyên Quang), đập Tây Nguyên (Nghệ An), đập Đồng Đáng, Thung Cối (Thanh Hóa). Việc có hay không sự thất thoát nguồn vốn đầu tư từ các công trình này cần có sự kiểm tra, đánh giá của các cơ quan chức năng, cũng như các cơ quan được giao trách nhiệm quản lý các công trình này.
Tuy nhiên, tôi cũng thừa nhận, một loạt sự cố xảy ra như đã nêu trên đã phản ánh những tồn tại, bất cập trong công tác quản lý công trình từ khâu giải pháp kỹ thuật, đến công tác thi công, quản lý đầu tư và duy tu bảo dưỡng cần được xem xét cụ thể.
Trong những năm gần đây, tình trạng vi phạm hành lang bảo vệ đê như đốt lò gạch ngoài bãi sông, xe quá tải đi trên đê gây hư hỏng mặt đê, khai thát cát sỏi cạnh bờ đê… diễn ra khá nhiều. Tới đây, những vụ vi phạm như trên sẽ được giải quyết tình trạng này trong thời gian tới như thế nào?
- Đúng là thời gian gần đây, tình trạng vi phạm hành lang bảo vệ đê, hành lang thoát lũ diễn ra hết sức phức tạp, có chiều hướng gia tăng. Trước những diễn biến phức tạp của tình hình vi phạm, Bộ NNPTNT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề nghị Thủ tướng ban hành chỉ thị trong việc ngăn chặn và xử lý vi phạm Luật Đê điều và tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép. Sau khi có chỉ thị và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, công tác ngăn chặn và xử lý vi phạm đã có những chuyển biến nhưng còn rất hạn chế.
Do đó, Cục Quản lý đê điều và phòng chống lụt bão đã có công văn yêu cầu UBND các tỉnh, thành tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đê điều và phòng chống lụt bão tới các tổ chức, cá nhân; chỉ đạo các cấp, các ngành, chính quyền địa phương trong công tác quản lý, xử lý các vi phạm Luật Đê điều và Pháp lệnh Phòng chống lụt bão; xử lý kiên quyết, dứt điểm các vụ vi phạm, chống tái phạm và vi phạm mới. Chỉ đạo, đôn đốc việc lập quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết của từng tuyến sông có đê trên địa bàn để trình Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt.
Xin cảm ơn ông!