Có mặt trên từng cây số
Trong 4 năm tham gia đội “Đội xe ôm an toàn”, anh Khánh đã quá quen với những cuộc gọi giật lúc nửa đêm về sáng. Đến nơi, nếu người gặp nạn bị thương nhẹ, anh giúp sơ cấp cứu, rồi chở đi bệnh viện luôn. Trường hợp nặng quá, không thể dịch chuyển, anh cầm máu rồi gọi điện chờ xe cấp cứu của bệnh viện tới.
Anh Khánh cho hay: “Tuyến đường chúng tôi tập trung tuy không đông đúc nhưng rất vắng vẻ nhất là vào ban đêm. Cứ hễ có ai gặp tai nạn là những người dân quanh đó lại gọi điện thoại báo chúng tôi, giúp đưa đi bệnh viện”. Anh Hoàng Văn Lưu - Đội trưởng đội xe ôm an toàn cho biết thêm: “Từ lúc tham gia vào đội tới giờ, anh em chúng tôi đã tham gia rất nhiều vụ sơ cấp cứu, giúp đỡ đưa người bị nạn tới trung tâm y tế. Tính tới nay, cũng đã giúp được 80 trường hợp bị tai nạn giao thông. Nặng có, nhẹ có”.
Một thành viên trong đội, anh Hoàng Văn Minh nhớ lại chuyện đau lòng khi tham gia cấp cứu người bị nạn. Đêm đó, anh Minh nhận điện thoại đến cấp cứu người bị chấn thương ở đầu. Người gặp tai nạn bị thương quá nặng, máu chảy không ngớt. Anh Minh kể: “Trong lúc chờ xe cấp cứu, tôi cố gắng cầm máu đến ướt hết cả cái áo đang mặc nhưng tai nạn nghiêm trọng quá, không thể cứu được. Cả đêm, tôi cứ thế ngồi trông tử thi, chờ thân nhân họ đến rồi mới về nhà”.
Việc nghĩa không mong nhận báo đáp
10 thành viên của đội xe ôm an toàn, người lớn tuổi nhất là 56 tuổi, người nhỏ tuổi nhất là 37 tuổi. Cuộc sống của các thành viên còn nhiều khó khăn. Công việc chạy xe ôm là thu nhập chính để nuôi gia đình. Mỗi tháng thu nhập chưa đến 3 triệu đồng/tháng. Thế nhưng, họ sẵn sàng gác lại mọi việc của mình để giúp đỡ những người không may mắn gặp nạn trên đường. Thành viên Trần Thanh Chắt là người có hoàn cảnh khó khăn nhất đội. Anh từ nơi khác chuyển đến, cuộc sống còn chưa ổn định, phải đi thuê nhà để ở, vợ anh ở nhà bán quán cơm để trang trải cuộc sống, còn anh chạy xe ôm. Vì sao việc nhà chưa lo xong đã bao đồng chuyện thiên hạ? Anh Chắt tâm sự: “Mình làm việc thiện vì cái tâm, thấy người gặp nạn là lao vào giúp đỡ chứ có bao giờ nghĩ đến chuyện báo đáp. Chở người ta đến bệnh viện mình cũng chẳng bao giờ lấy tiền công. Nhiều khi người nhà người ta đòi trả tiền cho mình, nhưng mình không nhận. Tiền thì mình cũng cần thật nhưng đã giúp người là phải giúp cho đến nơi, đến chốn”.
Anh Hoàng Văn Lưu- Đội trưởng Đội xe ôm an toàn bảo: “Người ta bị nạn, anh em chúng tôi còn giúp trông coi tài sản, rồi hoàn trả lại cho người nhà là chuyện bình thường”. Như trường hợp anh Đào Trọng Hùng đã cấp cứu năm 2009. Trên đường đi làm về, anh Hùng gặp vụ tai nạn là anh Ngô Văn Sằn điều khiển xe bị ngã đập đầu vào cống nước ven đường, bất tỉnh. Anh Hùng đưa người gặp tai nạn đến bệnh viện. Lúc tỉnh dậy, anh Sằn cho biết có 10 triệu đồng để trong áo mưa treo trên xe. Anh Hùng nhanh chóng quay lại hiện trường và gọi cả đội tới, vất vả lắm mới tìm lại được bọc tiền bị vùi dưới bùn sâu để giao lại cho Công an huyện quản lý.
“Từ khi thành lập đội đến nay, do kinh phí hạn hẹp nên Hội Chủ thập đỏ huyện Định Hoá chỉ hỗ trợ ban đầu cho các thành viên mỗi người một cái áo đồng phục và một túi y tế sơ cứu. Còn lại anh em trong đội đều phải tự sắm bông băng, thuốc sát trùng để cứu người. Làm việc nghĩa nên họ cũng không nề hà gì” – chị Âu Thanh Thuỳ, cán bộ Hội Chữ thập đỏ huyện Định Hoá cho hay.