Già làng Knai Y Bảo (Khánh Hiệp, Khánh Vĩnh) nhìn về khoảnh rừng xanh phía trước nhà xót xa: “Rừng đó của lâm trường, nhưng hơn 15 năm trước là rẫy nhà tôi…”.
Đại gia đình gồm 4 thế hệ của ông Y Bảo sống nhờ vào 3 sào lúa và 3ha đất rẫy. |
Bí bách việc thiếu đất
Chị HLúi - con gái già làng Knai Y Bảo, cho biết, năm 1996, khi cha chị còn là Chủ tịch UBND xã Khánh Hiệp, ông đã góp 10ha rẫy của gia đình ở thôn Hòn Lay tham gia Chương trình trồng rừng 327.
Những năm đó, cuộc sống gia đình no đủ hơn nhờ vào chương trình hỗ trợ trồng rừng. Nhưng năm 2004, khi Chương trình 327 kết thúc, chẳng hiểu sao người ta không trả lại đất rừng cho gia đình chị mà chuyển hẳn 10ha rừng này cho Lâm trường Bắc Khánh Vĩnh, nay là Công ty Lâm nghiệp Trầm Hương.
Hiện nay, nhà ông gồm 4 thế hệ, 18 nhân khẩu đang sống nhờ vào 3 sào lúa nước và 3ha đất rẫy. Mỗi năm, cả nhà chỉ no mấy tháng, những ngày còn lại, con cháu ông phải đi làm thuê.
Trong một căn nhà tranh vách đất khác ở thôn này, chúng tôi gặp vợ chồng Mang Bia đang cùng run lập cập vì sốt rét rừng. Ngồi tựa vào góc nhà, cạnh cái rựa, Mang Bia buồn bã kể, cha mẹ không có đất nên khi anh lấy vợ, chỉ được chia một sào để dựng nhà.
Ngoài căn nhà và mảnh sân nhỏ này, vợ chồng anh không có chút đất nào để canh tác. “Hôm nay, cả hai vợ chồng đều sốt, tay run, không cầm nổi rựa đi làm thuê, phải ăn cháo thôi” – giọng Mang Bia lập cập run.
Hoàn cảnh của những hộ dân nói trên là không cá biệt tại các huyện miền núi tỉnh Khánh Hòa. Chỉ riêng ở huyện Khánh Vĩnh, từ năm 2004, 658ha đất của hàng trăm hộ dân đã bị chuyển hẳn cho Công ty Lâm nghiệp Trầm Hương sau khi Chương trình 327 chấm dứt.
Bí bách với việc thiếu đất sản xuất, từ nhiều năm nay 56 hộ dân ở thôn Soi Mít và thôn Hòn Lay (xã Khánh Hiệp) đã tranh chấp gay gắt với Công ty Lâm nghiệp Trầm Hương, khởi đầu cho chuyện đòi lại đất 327 trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh.
Nhận không được, trả cũng không xong
Xã Ba Cụm Nam thuộc huyện miền núi Khánh Sơn là vùng đất khô cằn nhất huyện và có lẽ vì lý do này mà ngay từ năm 2006, đây là một trong những xã được nhận đất sớm nhất từ chương trình bóc tách đất rừng. Nhưng, mục đích chia và giao hẳn đất cho đồng bào DTTS địa phương “phá sản” ngay từ ngày đầu triển khai.
Rừng phủ xanh khắp nơi, nhưng hầu hết là rừng của các nông, lâm trường, bà con phải đi làm rẫy rất xa. |
Ông Phạm Văn Hân – Phó Chủ tịch xã, cho biết: Nhận 375ha rừng thông từ Ban quản lý rừng phòng hộ Khánh Sơn, xã đã lập phương án chia cho 188 hộ đồng bào nghèo. Nhưng khu rừng này có hiện trạng da báo, chỗ thì thông nhỏ chưa khai thác được, nơi thì đang là đất trống đồi trọc và một ít diện tích thông khai thác. Xã đã nhiều lần họp dân, thực hiện chia đất nhưng lần nào cũng thất bại bởi không thể vừa bảo đảm sự đồng thuận trong dân, vừa công bằng.
Từ xưa đến nay, gần như đã thành quy ước, cây của ai đã cạo mủ, người khác trong làng không được tranh làm. Và rừng thông ở đây đã được “ngầm” chia theo quy ước “mạnh được yếu thua”. Quyền khai thác được đánh dấu từng cây, không phân chia theo địa giới. Đây cũng chính là vấn đề mấu chốt khiến chính quyền xã không thể thực hiện nổi nhiệm vụ phân chia đất cho dân. Sau 1 năm không chia nổi đất lại càng không thể quản lý, bảo vệ rừng thông, từ năm 2007 xã và huyện đã đề nghị trả lại 357ha rừng này cho đơn vị cũ. Tuy nhiên, đã hơn 3 năm trôi qua, đề nghị này vẫn chưa được giải quyết.
Xã Liên Sang, huyện Khánh Vĩnh, cũng phải nhận về “cục xương” tương tự, không thể phân chia cho dân sản xuất. Hơn 3 năm trước, Công ty Lâm sản Khánh Hòa cũng đã bóc tách và giao cho xã 500ha đất rừng để chia cho đồng bào DTTS. Nhưng khu rừng này cách khu dân cư đến 15 - 20km và không có đường giao thông. Dân cương quyết không nhận nên xã và huyện cũng cương quyết trả lại để được nhận chỗ khác khá hơn, nhưng đã nhiều năm đề nghị trả mà Công ty Lâm sản Khánh Hòa vẫn chưa chịu nhận cho.
Có 26 tỷ việc này mới xong…
Bà Phạm Thị Mấn – Trưởng ban Dân tộc tỉnh Khánh Hòa, cho biết, để hoàn thành việc bóc tách đất nông lâm nghiệp giao lại cho đồng bào DTTS, Ban đã có tổng cộng 25 kiến nghị gửi UBND tỉnh cùng các sở, ban ngành liên quan. UBND tỉnh Khánh Hòa cũng liên tục có văn bản chỉ đạo, giao Sở NNPTNT chủ trì, phối hợp cùng các ban ngành liên quan đề xuất hướng giải quyết, nhưng đến nay sự việc vẫn giậm chân tại chỗ.
Đặc biệt là vấn đề tranh chấp giữa dân các xã cánh bắc huyện Khánh Vĩnh với Công ty Lâm nghiệp Trầm Hương. Trong một cuộc họp giữa các bên liên quan, huyện này đề nghị hoàn trả Công ty Lâm nghiệp Trầm Hương 2 tỷ đồng tiền đầu tư trồng, chăm sóc để lấy lại 658ha rừng 327. Nhưng theo Công ty Lâm nghiệp Trầm Hương, giá trị đầu tư tại 658ha rừng này là 26,32 tỷ đồng!
UBND tỉnh Khánh Hòa đã giao Sở NNPTNT chủ trì, phối hợp Sở TNMT, UBND huyện Khánh Vĩnh và cơ quan liên quan đề xuất hướng giải quyết. Nhưng đến nay, chẳng hiểu vì những “dích dắc” phức tạp gì mà qua nhiều lần họp, “tới tấp” những văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, việc này vẫn chưa được giải quyết, rừng chưa được giao trả lại cho dân.
Ông Lê Văn Hoa – Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh, cho biết, hiện nay, rừng 327 đã khép tán nên việc giao đất rừng lại cho dân phải tính đến những phương án vừa bảo đảm quyền lợi cho dân, vừa bảo vệ được rừng.
Tuy nhiên, ông Hoa cho rằng: “Làm gì thì làm, phải bóc tách đất lâm nghiệp giao lại cho dân, đặc biệt là những hộ nghèo thiếu đất sản xuất”.
Còn Chủ tịch xã Khánh Hiệp, “điểm nóng” của chuyện tranh chấp đất rừng 327 nói gì? Khi chúng tôi tìm thì được biết ông và chủ tịch UBND các xã cánh bắc có diện tích đất rừng 327 đang được Công ty Lâm nghiệp Trầm Hương đưa đi tham quan Singapore!
Mai Khuê