30 giây và 120 phút
Năm 2007, lần đầu tiên các thắng cảnh du lịch nổi tiếng của Việt Nam như vịnh Hạ Long, Huế, Hội An và TP.HCM đã được quảng bá trên kênh truyền hình CNN, trong một đoạn phim có thời lượng 30 giây do nhóm làm phim chuyên nghiệp của CNN thực hiện. Ngân sách Nhà nước đã chi gần 300.000 USD cho việc thực hiện và phát sóng định kỳ liên tục trong 3 tháng đoạn phim này trên sóng giờ vàng của CNN.
Đoàn làm phim “Rạp chiếu phim di động của ông Long”. |
Trong khi đó, vào tháng Năm này, bốn bộ phim về đất nước, con người Việt Nam với thời lượng 30 phút/phim sẽ được phát sóng trên kênh truyền hình thực tế ăn khách nhất hiện nay là Discovery, tại chuyên mục có chỉ số người xem cao nhất: Travel & Living (Đi và sống).
Đây là kết quả của Dự án First Time Filmmakers (lần đầu làm phim với Discovery) tại Việt Nam do Quỹ Ford tài trợ, được tổ chức bởi kênh Discovery châu Á - Thái Bình Dương, Hãng Uproar châu Á và RedBridge là đơn vị quản lý dự án.
Nếu như lâu nay, hầu hết các phim hay về đề tài Việt Nam phát trên các kênh quốc tế là do các nhà làm phim nước ngoài thực hiện, thì lần này, 4 bộ phim được chiếu trên Discovery - với kinh phí đầu tư được cấp 20.000 USD/phim - hoàn toàn là sản phẩm “made in Vietnam”, được thực hiện bởi các nhà làm phim Việt - cả chuyên và không chuyên...
Hơn ai hết, họ là những người hiểu được rõ nhất những nét đặc sắc của đất nước - con người Việt Nam, những giá trị văn hóa truyền thống cũng như những chuyển dịch của xã hội Việt Nam trong thời kỳ hội nhập. Và cơ hội lần này không chỉ giúp các nhà làm phim Việt có cơ hội chứng minh khả năng của mình, mà rộng hơn, họ chính là những nhân tố tích cực mở cánh cửa Việt Nam ra với thế giới.
Những mảnh ghép cuộc sống
Được chọn ra từ 68 kịch bản tham dự ban đầu, bốn bộ phim được phát sóng trên Discovery lần này mang lại những góc nhìn mới lạ về một đất nước đang chuyển mình mạnh mẽ từ một nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp thành một đất nước có nền kinh tế nổi bật trong khu vực.
Ra mắt đầu tiên vào tối 5.5 sẽ là bộ phim “Những chiến binh chống tắc đường” của Phan Duy Linh kể câu chuyện của những “chiến binh” đang hàng ngày góp sức mình để tìm cách thay đổi thực trạng tắc đường tại Hà Nội.
“Rạp chiếu phim di động của ông Long” (ra mắt tối 12.5) của Hoàng Mạnh Cường kể về một ông lão đã nhiều năm sống bằng nghề chiếu phim dạo ở công viên Thủ Lệ (Hà Nội).
Ở một góc nhìn khác về sự chuyển mình của quá trình đô thị hóa, tác giả Nguyễn Mạnh Hà chọn ba nhân vật để kể trong phim “Thành phố 1.000 tuổi” (ra mắt tối 19.5). Đó là một bà cụ đã buộc phải rời khỏi “ngôi nhà” đã ở trong suốt 40 năm - là cái hốc nhỏ ở Ô Quan Chưởng khi cửa ô duy nhất còn sót lại của Hà Nội này được cải tạo để chào đón Đại lễ 1.000 năm Thăng Long.
Còn nghệ sĩ đương đại Đào Anh Khánh cũng đang chuẩn bị cho một buổi trình diễn sân khấu hoành tráng như một món quà mừng thủ đô và một kỹ sư trẻ cũng đang đắm đuối với dự án xây dựng một thành phố chuẩn xanh-sạch-đẹp.
Và cuối cùng, ra mắt tối 26.5 là bộ phim “Lễ cải táng” kể câu chuyện của những người làm nghề cải táng tại nghĩa trang Văn Điển (Hà Nội) với những trăn trở mưu sinh khi nghĩa trang này đóng cửa. Bộ phim được thực hiện bởi đạo diễn phim tài liệu Đào Thanh Tùng sẽ mang đến cho khán giả nước ngoài những góc nhìn độc đáo về những tục lệ mang tính tâm linh của người Việt.
Khánh Linh