Ông Thành cho rằng, đây là thực tế nhức nhối của toàn xã hội. Thực tế, qua tất cả các kênh thông tin, sàn giao dịch việc làm mà trung tâm thu thập được thì tình trạng cử nhân thất nghiệp phải đi làm những công việc không đúng, thấp hơn với chuyên ngành, trình độ được đào tạo diễn ra khá phổ biến. Điều này đang gây sự lãng phí lớn đối với cả gia đình và xã hội.
Vậy theo ông đâu là nguyên nhân dẫn tới thực trạng này?
- Tôi cho rằng có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này. Trước hết, tình hình kinh tế, xã hội tiếp tục có những khó khăn đã ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Số việc làm đã ít nay lại càng giảm sút mạnh.
Bên cạnh nguyên nhân khách quan, có thể thấy nguyên nhân chủ quan thuộc về người lao động. Mặc dù lao động có trình độ cử nhân đang dư thừa, nhưng chất lượng nguồn lao động này lại chưa thể đảm bảo được nhu cầu phát triển xã hội, không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. Việc đào tạo lao động có trình độ đại học, cao đẳng diễn ra ngày càng phổ biến, ai muốn thì đều có thể học và nhiều người học kiểu đối phó chứ không thực chất. Mỗi năm chúng ta có khoảng 400.000 cử nhân đại học, cao đẳng tốt nghiệp ra trường. Chưa tính các cử nhân hệ liên thông, tại chức… Vì thế tình trạng dồn ứ, dư thừa lao động trình độ đại học ngày càng nhiều lên. Trong khi DN lại không cần vì không có tay nghề. Vì vậy, dù cử nhân chấp nhận đi làm công nhân cũng khó, DN áp dụng những tiêu chí cứng để sàng lọc lao động theo hướng có lợi cho họ, họ không cần cử nhân thì đương nhiên sẽ có các biện pháp để loại.
Điều 9, Chương I, Luật Việc làm, có quy định cụ thể về các hành vi bị cấm trong phân biệt đối xử khi tuyển dụng, sử dụng lao động, xúc phạm nhân phẩm… Việc đưa ra các tiêu chí tuyển dụng để loại cử nhân liệu có vi phạm?
- Quá trình làm công tác tư vấn, tuyển dụng lao động cho các doanh nghiệp, chúng tôi cũng từng gặp rất nhiều trường hợp như trên. Có rất nhiều người có bằng cấp trên đại học sẵn sàng chấp nhận làm công việc không đúng chuyên ngành, thậm chí làm vị trí thấp hơn so với trình độ mình được học, như làm công việc chỉ yêu cầu trình độ trung cấp, công nhân, người giao hàng…
Việc doanh nghiệp không tuyển dụng đối tượng này cũng là bởi họ muốn “lọc” lao động cho phù hợp với tình hình hoạt động thực tế của doanh nghiệp. Thực tế, pháp luật Việt Nam cũng không có quy định cụ thể về vấn đề này, nên nếu “lách” được là doanh nghiệp “lách” thôi.
Là đơn vị chuyên tư vấn, giới thiệu việc làm, ông có hiến kế gì để “tận dụng” nguồn nhân lực (hơn 162.000 cử nhân thất nghiệp) có trình độ?
- Trước mắt, muốn khơi thông được nguồn cung thì cần thúc đẩy nguồn cầu, bởi lâu nay lúc nào cung cũng vượt cầu. Muốn vậy, Nhà nước cần phải có những giải pháp mạnh tay hơn nữa trong việc ổn định kinh tế vĩ mô; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển ổn định. Doanh nghiệp có phát triển thì mới tạo ra được việc làm mới, tạo việc làm bền vững cho hàng trăm nghìn lao động là cử nhân và hàng nghìn cử nhân khác chuẩn bị tốt nghiệp. Đây thực sự là những mâu thuẫn rất lớn, khó lòng giải quyết một sớm một chiều.
Vậy theo ông, về lâu dài, chúng ta cần phải làm gì để có thể kết nối cung – cầu lao động một cách tốt nhất?
- Đặt trong bối cảnh xã hội chưa có sự phát triển mạnh mẽ, số việc làm mới tạo ra không nhiều, trong khi nền kinh tế, công nghiệp và dự án hợp tác của chúng ta mới chỉ dừng lại ở việc hợp tác trên các lĩnh vực lắp ráp, chế tạo thô… nên nguồn cầu về lao động chủ yếu chỉ là lao động phổ thông, lao động giản đơn.
Chính vì vậy, muốn tạo ra sự kết nối cung-cầu lao động, người lao động cần biết thị trường LĐ đang cần LĐ ngành nghề gì, đào tạo phải gắn với nhu cầu của thị trường, doanh nghiệp. Mặt khác, Nhà nước cũng cần phải có những chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển ổn định thì mới hy vọng kết nối được cung-cầu, tạo ra được nhiều việc làm mới cho các lao động.
Xin cảm ơn ông!