Người được hãng tin NBC (Mỹ) cho là thủ lĩnh tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS có tên gọi Abu Bakr al-Baghdadi, chỉ huy một lực lượng hàng nghìn tay súng tạo dựng một lãnh thổ Hồi giáo dòng Sunni tại vùng biên giới giữa Iraq và Syria.
Có rất ít thông tin về người đứng đầu Nhà nước Hồi giáo (IS), chỉ biết hắn là một công dân Iraq, 42 tuổi, ngoi lên trở thành lãnh đạo tổ chức Hồi giáo cực đoan này từ một trại tạm giam Mỹ.
Biệt đội săn lùng "Bóng Ma" của Nhà nước Hồi giáo. Một biệt đội đặc nhiệm gồm khoảng 100 nhân viên tình báo CIA đã được thành lập để săn lùng "Bóng Ma", biệt danh đặt cho thủ lĩnh của Nhà nước Hồi giáo (IS) vì tên này không hề để lại bất kỳ dấu vết nào dù đang điều hành cả một đạo quân hàng chục ngàn người. Đây là chiến dịch lùng tìm chống khủng bố lớn nhất kể từ sau khi Mỹ lần ra và tiêu diệt trùm khủng bố al-Qaeda Osama bin Laden hồi năm 2011, tờ Mirror (Anh) cho hay. Thông qua việc sử dụng máy bay do thám không người lái và hình ảnh vệ tinh, các chuyên gia tình báo đang thu thập dữ liệu ghi nhận các cuộc gọi điện thoại di động và các di chuyển trên mặt đất tại Iraq và Syria. “Tung tích al-Baghdadi hiện đang khó bị phát hiện, nhưng cuối cùng hắn cũng sẽ lộ diện. Lực lượng của hắn đang bành trướng nên sẽ có nhiều cuộc gọi điện thoại được thực hiện và đó sẽ là yếu điểm của hắn”, một nguồn tin nói với Mirror. |
Đặc điểm sinh trắc học của người này có lẽ đã được ghi nhận trong thời gian hắn bị giam tại Trại Bucca, một nhà giam của Mỹ ở Iraq, nơi hắn được biết đến như một người “hiểu biết” nhưng không đặc biệt nguy hiểm. Tuy nhiên, NBC cho hay có rất ít tài liệu ghi nhận về cuộc đời và “sự nghiệp” của tên này.
“Họ có biết người này, nhưng xuất thân của hắn vẫn là một bí ẩn”, lãnh đạo một hãng tư vấn an ninh Mỹ cho biết.
Nguồn tin của NBC News cho biết thêm, thủ lĩnh IS được sinh ra ở Samarra, thành phố miền trung Iraq và hoạt động tích cực tại Fallujah hồi đầu những năm 2000, nhiều khả năng nắm giữ chức chỉ huy một đội khoảng từ 50 - 100 người vào thời điểm trên.
Hắn bị bắt vào Trại Bucca hồi năm 2005 và người chỉ huy nhà giam này không thể ngờ lại có ngày tù nhân này trở thành người chiếm hết thành phố này đến thành phố khác ở Iraq.
“Hắn ta không đến nỗi là một trong số những kẻ tồi tệ nhất trong đám tồi tệ nhất”, Đại tá Ken King, người điều hành Trại giam Bucca từ năm 2008 đến 2009 nhớ lại.
Baghdadi được cho là đã cố thao túng những tù nhân khác hoặc khiêu khích quản giáo, nhưng tên này đủ rành các luật lệ để tránh dính vào những rắc rối nghiêm trọng. “Từ thích hợp nhất mà tôi có thể nói về ông ta đó là một người hiểu biết”, King cho biết.
Vị đại tá này còn nhớ lại thêm rằng khi bị giao nộp cho chính quyền Iraq hồi năm 2009, gã này đã nói: “Tôi sẽ gặp lại mấy ông ở New York”, hàm ý muốn nói đến quê nhà của nhiều quản giáo trong trại.
“Nhưng câu đó khi ấy không mang nghĩa đe dọa. Nó giống như là Tôi sẽ sớm ra khỏi tù thôi”, ông King nói.
NBC bình luận rằng nếu đó đúng là điều mà Baghdadi muốn nói, thì hắn ta đã đúng bởi hắn đã sớm trở thành người đứng đầu tổ chức ISIL (lúc đó là một nhánh của al-Qaeda) khi 2 lãnh đạo của tổ chức này bị giết hồi năm 2010.
Cũng theo NBC, Baghdadi kín tiếng hơn nhiều phiến quân thích đưa ra các tuyên bố hùng hồn khác và đó chính là lợi thế giúp hắn sống sót, theo các chuyên gia phân tích.“Khi bạn bắt đầu tạo video và phát tán rộng rãi, thì khả năng bạn bị bắt hoặc bị giết cũng sẽ gia tăng”, một chuyên gia an ninh nói với NBC.
“Hắn đã hoạt động khoảng 5 năm và những năm này hoàn toàn yên ắng. Đó là một khoảng thời gian dài”, ông này nói.
Sự kín tiếng của người đứng đầu IS còn đem lại cho hắn một lợi thế, đó là giúp lôi cuốn các chiến binh trẻ tuổi.
“Hắn xoay sở giữ bí mật cá nhân cực kỳ tốt và nó giúp củng cố uy tín của hắn”, chuyên gia Patrick Johnston thuộc tổ chức nghiên cứu chính sách quốc tế RAND (Mỹ) nhận định.
“Thanh niên thực sự bị cuốn hút bởi điều này”, theo ông Johnston.