Dân Việt

Chủ tịch Hồ Chí Minh: Giáo dục nhi đồng là một khoa học

02/09/2014 12:58 GMT+7
Là một nhà giáo dục vĩ đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng việc giáo dục thế hệ trẻ. Với những người trực tiếp tham gia công tác thiếu nhi, Người hướng dẫn không chỉ nội dung mà cả phương pháp giáo dục.
Ngày 25.8.1950, trong “Thư gửi Hội nghị các cán bộ phụ trách nhi đồng toàn quốc”, Bác viết: “Giáo dục nhi đồng là một khoa học. Các bạn phải cố gắng học tập, nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm, để tiến bộ mãi, nhất là phải làm kiểu mẫu trong mọi việc cho các em bắt chước”.

Trong trái tim nhân ái của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trẻ em được ví như búp trên cành, cần được che chở, chăm sóc, nâng niu để nở hoa tươi thắm và tỏa hương thơm ngát cho đời. Bởi vậy, Người luôn nhắc nhở mọi người phải quan tâm đến việc giáo dục các thế hệ thiếu niên, nhi đồng của đất nước.
img
Trong muôn vàn tình thân yêu của Người dành cho nhân dân, có một tình yêu lớn dành cho thiếu niên nhi đồng.

Những lời nói, những bài viết của Người về công tác bảo vệ, chăm sóc thiếu nhi không chỉ chứa đựng những tư tưởng, quan điểm cơ bản; mà còn là những lời chỉ bảo ân cần, rất cụ thể và gần gũi với thực tế. Với những người trực tiếp tham gia công tác thiếu nhi, Bác đã hướng dẫn cả  về nội dung và phương pháp giáo dục.

Trong “Thư gửi Hội nghị các cán bộ phụ trách nhi đồng toàn quốc” ngày 25.8.1950, Bác viết: “Cách dạy trẻ, cần làm cho chúng biết yêu Tổ quốc, thương đồng bào, yêu lao động, biết vệ sinh, giữ kỷ luật, học văn hóa. Đồng thời phải giữ toàn vẹn tính vui vẻ hoạt bát, tự nhiên tự động trẻ trung của chúng, chớ nên làm cho chúng hóa ra già cả…. Trong lúc học, cũng cần làm cho chúng vui, trong lúc vui cũng cần làm cho chúng học... Ngày nay chúng là nhi đồng. Ít năm nữa, chúng sẽ là công dân, cán bộ. Vì vậy, Chính phủ, các đoàn thể, và tất cả đồng bào đều có trách nhiệm giúp vào việc giáo dục nhi đồng...”.

Về nội dung giáo dục, Bác nhắc nhở cần chú trọng về đức dục; lấy tinh thần dân chủ mới để giáo dục thiếu niên, nhi đồng. Bác đặc biệt nhấn mạnh, người giáo dục thiếu niên, nhi đồng phải là tấm gương sáng cho các em noi theo: “Trẻ em hay bắt chước cho nên thầy giáo, cán bộ phụ trách… phải gương mẫu, từ lời nói đến việc làm… Dạy các cháu thì nói với các cháu chỉ một phần, cái chính là phải cho các cháu nhìn thấy, cho nên những tấm gương thực tế là rất quan trọng. Muốn dạy cho trẻ em thành người tốt thì trước hết các cô, các chú phải là người tốt” (Bài nói chuyện tại Hội nghị cán bộ phụ trách thiếu nhi toàn miền Bắc ngày 19.2.1959).
img
Trong muôn vàn tình thân yêu của Người dành cho nhân dân, có một tình yêu lớn dành cho thiếu niên nhi đồng.

Ba tháng trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn toàn Đảng, toàn dân cần "Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng" (bài viết ngày 1/6/1969, bút danh TL, đăng báo Nhân dân số 5526). Người khẳng định: "Nói chung trẻ con ta rất tốt". Tuy nhiên, "vẫn còn một số ít cháu chậm tiến vì chưa được chăm sóc dạy dỗ đến nơi đến chốn". Người nhắc nhở: "Chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ..." và kêu gọi mọi người: "Vì tương lai con em ta, dân tộc ta, mọi người, mọi ngành phải có quyết tâm chăm sóc và giáo dục các cháu bé cho tốt".

Tư tưởng Hồ Chí Minh về chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng đã toát lên chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh.

Ngày nay, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em gắn bó chặt chẽ với việc quán triệt, vận dụng vá phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh. Thực hiện lời Người dạy: “Vì lợi ích 10 năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn quan tâm chăm sóc và giáo dục các thế hệ thiếu niên, nhi đồng; tạo điều kiện tốt nhất để thiếu niên, nhi đồng được học tập và rèn luyện, trở thành con ngoan, trò giỏi, xứng đáng danh hiệu “cháu ngoan Bác Hồ” như sinh thời Hồ Chủ tịch hằng mong.