Tôi còn nhớ, trong vụ giải cứu em nhỏ 7 tuổi Nguyễn Thanh Tùng bị bắt cóc làm con tin vào cuối năm 2007 (một vụ án từng gây xôn xao dư luận Hải Phòng), người ta đã chứng kiến cảnh không chỉ bố mẹ, người thân của em Tùng khóc nức nở vì vui sướng và xúc động mà ngay cả ông Dương Tự Trọng - khi đó là Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, một trong những tác giả làm nên "bàn thắng đẹp" của Công an Hải Phòng cũng nhòa lệ ôm chặt em nhỏ vào lòng. Cảm xúc thật của Dương Tự Trọng lúc đó đã tạo một ấn tượng mạnh mẽ, khó phai mờ trong lòng anh em đồng đội, xây dựng nên một hình ảnh đẹp đẽ về người cán bộ chiến sĩ công an gần gũi, thân thiết với nhân dân.
Dương Tự Trọng còn là khắc tinh đối với nhiều tên tội phạm từng khét tiếng một thời. Sau sự sụp đổ của những băng nhóm tội phạm Cu Nên, Cu Lý (khoảng những năm 1994-1998), sang những năm đầu 2000-2004, một loạt những tên côn đồ mới nổi, sử dụng dao kiếm, tuýp sắt, dao chọc tiết lợn... sẵn sàng xuống tay để lấy "số má" trong giới giang hồ với những cái tên như Tuấn "lùn", Chung “chích”, Chiến “chó”, Tuấn “sứt”, Việt “rô”, Minh “ba tai”, Quyền "quý", Phong "hồng"... từng gây náo động thành phố Cảng với những vụ chém giết manh động.
Vụ án do Tuấn "lùn" cầm đầu gây ra tại cây xăng Đông Á chiều ngày 5.11.2004 là đỉnh điểm của tội ác khi hai băng nhóm Tuấn “lùn” và Phong "hồng" sử dụng hung khi thanh toán lẫn nhau gây ra cuộc chiến đẫm máu khiến 2 tên bị thương nặng và chết tại bệnh viện sau đó. Dương Tự Trọng khi đó là Trưởng phòng CSHS đã để lại dấu ấn khá đậm nét trong công tác lãnh đạo chỉ huy và trực tiếp điều tra phá án, tham gia truy bắt các đối tượng trong hai băng nhóm tội phạm nguy hiểm này.
Đặc biệt, đồng đội của Dương Tự Trọng không thể quên chiến công truy bắt nữ quái giang hồ đất cảng có biệt danh Xuân "điên" (tên đầy đủ là Trần Thị Phú Xuân). Với tham vọng trở thành một Dung Hà thứ hai trên đất Cảng, Xuân “điên” cùng đồng bọn đã ra tay sát hại Long Tuýp - một tên trùm cho vay nặng lãi và tổ chức đánh bạc để lấy tiếng tăm cho băng nhóm của mình và trở thành một "đại ca" có số. Thế nhưng, sau khi gây án, biết bị đàn em của Long Tuýp truy lùng để trả thù cho "đại ca" và lực lượng công an truy bắt ráo riết, Xuân "điên" cùng đồng bọn bỏ chạy vào Nghệ An để tìm đường trốn ra nước ngoài. Với kinh nghiệm dày dạn và tinh thần mưu trí, Dương Tự Trọng đã cùng đồng đội bắt gọn Xuân "điên" cùng toàn bộ băng nhóm của ả mà không để xảy ra thương vong mặc dù bọn chúng đều trang bị vũ khí "nóng", luôn sẵn sàng chống trả lực lượng truy bắt.
Đến lính hình sự với tâm hồn nghệ sĩGương mặt xương xương, dáng cao dong dỏng, là một người lính hình sự nhưng Dương Tự Trọng vẫn nuôi dưỡng tâm hồn nghệ sĩ. Rất nhiều bài thơ được ông sáng tác đã làm rung động lòng người. Mà ông Trọng làm thơ chắc hẳn là do cái gene gia đình.
Theo lời kể của bà Dương Thị Băng Tâm - em gái Dương Tự Trọng, trong gia đình họ ai cũng có khả năng làm được thơ, và luôn chọn cách đó để gửi đến nhau những tâm tư của mình. Cha của ông - ông Dương Khắc Thụ, nguyên Giám đốc Công an TP. Hải Phòng năm nào cũng có thơ xuân đăng báo An Ninh Hải Phòng. Dương Chí Dũng, Dương Thị Băng Tâm, đặc biệt là Dương Tự Trọng đều làm thơ rất hay. Bà Dương Thị Băng Tâm đã có bài thơ được nhiều người biết đến khi viết gửi Dương Chí Dũng để kêu gọi người anh ra đầu thú với những câu thơ khá xúc động.
Lụy tình nên “sai một ly, đi một dặm”…
Cho đến nay, điều khiến dư luận ở Hải Phòng vẫn còn tiếc nuối cho Dương Tự Trọng là việc ông ta tổ chức cho anh trai bỏ trốn. Ngay cả người thân trong gia đình họ Dương cũng không ngờ tới một kết cục như vậy. Có ý kiến cho rằng, trong gia đình mang nặng truyền thống nho giáo này, Trọng làm em nên phải "phục tùng mệnh lệnh" của anh trai. Cũng có những người suy diễn theo cách mà Dương Chí Dũng khai, khi biết anh bỏ trốn theo chỉ đạo của ông Phạm Quý Ngọ là cấp trên của mình thì Dương Tự Trọng hoàn toàn tin tưởng sự việc sẽ trót lọt.
Nhưng dù theo hướng bao biện thế nào, thì vẫn phải thừa nhận sự thật, việc Dương Tự Trọng liều mình cứu anh vẫn là việc làm mang tính mạo hiểm và hoàn toàn lụy tình. Sự "lụy tình" của Dương Tự Trọng đã kéo theo hàng loạt anh em đồng đội là những cán bộ thân tín của ông ta vào vòng lao lý.
Khi còn là lãnh đạo trong ngành công an, ông Trọng có tiếng là người sống tình nghĩa, hết lòng vì anh em, bạn bè, sống rất "bộ đội" (theo cách gọi của giới giang hồ đất Cảng). Ngay trong giới báo chí thành phố Cảng, không ít anh em cũng đã từng được Dương Tự Trọng giúp đỡ khi gặp khó khăn. Khi Trọng đã hứa giúp ai việc gì, thì chắc chắn sẽ giúp, nhất là những người có chút quan hệ tình cảm, bạn bè, người thân. Lời hứa của Dương Tự Trọng được một đồng nghiệp của tôi ví như "dao chém đá".
Vì thế, không khó lý giải, khi anh trai lâm nạn, yêu cầu em tổ chức cho mình trốn đi nước ngoài, người em Dương Tự Trọng chỉ cần "hô một tiếng" thì từ cán bộ công an "có sỏi trong đầu" như thượng tá Vũ Tiến Sơn (ông này còn có biệt danh Sơn "tép") - Phó phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an TP.Hải Phòng, đến những tay anh chị giang hồ "có số" như Trần Văn Dũng (tức Dũng "Bắc Cạn") - một đối tượng giang hồ cộm cán, liên quan đến hầu hết các trùm xã hội đen như Năm Cam, Dung Hà... cũng sẵn sàng "xả thân vì nghĩa". Kết cục bi thảm đã xảy ra. Dương Chí Dũng bị bắt chỉ sau 3 tháng lẩn trốn.