Dân Việt

Lãnh đạo Cục Việc làm: Loại cử nhân là phạm luật

Minh Nguyệt (thực hiện) 26/08/2014 07:55 GMT+7
Báo NTNN số 198-202/2014) có loạt bài về tình trạng cử nhân giấu bằng để xin đi làm công nhân. Trả lời phỏng vấn của NTNN về vấn đề khơi thông nguồn cung - cầu, giải quyết thất nghiệp trong nhóm cử nhân, bà Nguyễn Thị Hải Vân - Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH) nhấn mạnh cần phải xem xét, đánh giá lại cả công tác giáo dục đào tạo, thị trường lao động giải quyết việc làm...

Bà đã tiếp nhận những thông tin mà Báo NTNN phản ánh. Theo bà đâu là nguyên nhân dẫn tới thực trạng này?

- Đầu tiên là do các khu công nghiệp, khu chế xuất, doanh nghiệp hiện nay chủ yếu tuyển lao động (LĐ) phổ thông. Theo báo cáo của 32/63 tỉnh thành phố, số LĐ phổ thông chiếm khoảng 76% tổng nhu cầu tuyển dụng của các DN. Trong khi đó, dự báo thị trường LĐ trong dài hạn còn hạn chế, thị trường LĐ Việt Nam lại đang mất cân đối cung - cầu, nơi thừa LĐ đã qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật, nơi lại thiếu. Chúng ta cũng chưa có những chính sách ưu đãi đủ mạnh để thu hút sinh viên ra trường trở về địa phương hoặc đi vùng sâu vùng xa làm việc, gây sức ép về việc làm ở khu vực thành thị.

Mặt khác cơ cấu ngành nghề đào tạo chưa hợp lý, không đáp ứng nhu cầu xã hội. Cơ cấu này ở Việt Nam là 1-0,38-3,54 (tương đương là trình độ đại học, cao đẳng-trung cấp-công nhân kỹ thuật), trong khi đó thế giới đang là 1-4-10. Tỷ lệ cử nhân rất cao tới 129 sinh viên/10.000 dân, vượt xa thế giới (100 sinh viên/10.000 dân) nhưng chất lượng đào tạo lại thấp.

Một số DN đưa ra tiêu chuẩn tuyển dụng: dưới 28 tuổi, có chồng con, không là cử nhân, không tuyển người quê Thanh Hóa, Nghệ An… Theo bà những tiêu chuẩn áp dụng cho việc tuyển dụng này có đúng luật không?

-Hiến pháp năm 2013, Bộ luật Lao động năm 2012, Luật Việc làm năm 2013 đều khẳng định về quyền làm việc của người LĐ, nghiêm cấm phân biệt đối xử, cưỡng bức LĐ, sử dụng nhân công dưới độ tuổi LĐ. Do vậy, một số tiêu chuẩn mà DN đưa ra như có chồng con, không tuyển LĐ Thanh Hóa, Nghệ An… là không đúng với quy định của pháp luật trong trường hợp những công việc pháp luật không cấm những LĐ đó đảm nhận. Luật Việc làm có quy định cụ thể về các hành vi cấm trong phân biệt đối xử trong tuyển dụng, sử dụng LĐ, xúc phạm nhân phẩm…

Luật quy định như vậy, tuy nhiên các DN vẫn đưa ra nhiều tiêu chuẩn tuyển dụng không rõ ràng để loại cử nhân…?

- Tại Điều 9, Luật Việc làm có quy định rất cụ thể về trường hợp này. Người sử dụng LĐ có quyền trực tiếp hoặc thông qua tổ chức dịch vụ việc làm, DN cho thuê lại LĐ để tuyển dụng LĐ, có quyền tăng, giảm LĐ phù hợp với nhu cầu sản xuất, kinh doanh (Điều 11 Bộ luật Lao động). Do vậy, việc DN đưa ra những tiêu chuẩn tuyển dụng không rõ ràng trước hết làm khó cho DN trong tuyển dụng, bỏ sót LĐ có kỹ năng, trình độ… và vi phạm pháp luật.

img

Bà Nguyễn Thị Hải Vân - Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH).

Là đơn vị tư vấn cho Bộ về vấn đề quản lý LĐ và việc làm, Cục có phương án gì để giải quyết tình trạng có quá nhiều cử nhân thất nghiệp?

-Trước mắt, Bộ đã kiến nghị lên Thủ tướng về việc cần có những chính sách để vực dậy và phát triển nền kinh tế hiện nay. Khi nền kinh tế phát triển sẽ tạo thêm việc làm cho người LĐ. Bên cạnh đó, sử dụng các nguồn hỗ trợ cho vay vốn tự tạo việc làm hoặc xuất khẩu LĐ. Nhà nước và địa phương cần đưa ra các chế độ đãi ngộ hợp lý nhằm thu hút cử nhân về làm việc tại địa phương và các vùng sâu vùng xa.

Hiện nay Cục Việc làm, Bộ LĐTBXH cũng đã hoàn thiện hệ thống dự báo trung và dài hạn, kết nối thông tin cung, cầu LĐ qua nhiều kênh khác nhau. Đặc biệt, tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng để có định hướng đúng phát triển nguồn nhân lực và định hướng phát triển nghề nghiệp; nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm dịch vụ việc làm; xây dựng bộ chiến lược phát triển kinh tế xã hội gắn với phát triển nguồn nhân lực và việc làm của địa phương và toàn quốc.

Cùng với việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, Bộ LĐTBXH cũng tích cực phối hợp triển khai Đề án “Hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm giai đoạn 2008-2015”, tập trung tư vấn, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm, vay vốn cho thanh niên… Thực hiện chiến lược dạy nghề giai đoạn 2011-2020, nâng cao chất lượng đào tạo nghề, gắn đào tạo nghề với việc làm; gắn kết các cơ sở đào tạo với DN. Ngoài ra, chúng tôi phối hợp với Bộ GDĐT thực hiện công tác phân luồng học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp. Xây dựng các chương trình, dự án hỗ trợ, khuyến khích thanh niên tham gia phát triển kinh tế - xã hội các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa.

   Bà Nguyễn Thị Hải Vân cho biết: “Mỗi năm, các khu công nghiệp chỉ cần tuyển 13.000-15.000 LĐ đại học, cao đẳng nhưng hiện nay mỗi năm chúng ta có tới 400.000 cử nhân tốt nghiệp đại học, cao đẳng. Trong đó cũng chỉ có số ít người xin được việc phù hợp với trình độ. Điều này có thể dẫn tới việc phải giấu bằng để đi làm công nhân khi các khu công nghiệp không tuyển cử nhân”.