Dân Việt

“Bão qua làng” chưa thành... “bão”

Thanh Hà (tổng hợp) 26/08/2014 06:36 GMT+7
Đài Truyền hình Việt Nam đang phát sóng bộ phim về đề tài nông thôn với tựa đề “Bão qua làng” trên VTV1. Sau 10 tập phát sóng, Báo NTNN đã nhận được rất nhiều ý kiến nhận xét khen, chê khá rõ nét của khán giả.

Nhà văn Nguyễn Hiếu: Chỉ phản ánh mâu thuẫn nhỏ...

Trước khi đi sâu phân tích về bộ phim “Bão qua làng”, tôi phải chia sẻ thực lòng, và ghi nhận hãng phim của Đài Truyền hình Việt Nam đã cố gắng bám sát để thực hiện một chuỗi phim phản ảnh về đề tài nông thôn, làng quê trong những thay đổi chóng mặt của thời cuộc, bằng loạt phim như: “Đất và người”, “Ma làng”, “Gió làng Kình”, “Bí thư tỉnh uỷ”, và “Ma làng sau 10 năm”. Phim “Bão qua làng” đã phản ánh thêm một khía cạnh mới về nông thôn.

Tuy nhiên bộ phim với cái đầu đề rất khơi gợi là “Bão qua làng”, nhưng nội dung phim lại không hấp dẫn nổi một khán giả đam mê phim ảnh như tôi, chưa tạo thành cơn bão cho sự thưởng thức của khán giả truyền hình. Bởi phim đã phát đến tập 10 nhưng đáng buồn thay vẫn thấy sự lúng túng trong việc phát triển câu chuyện, phim vẫn lùng bùng chưa có lối ra khỏi sự kiện làng Đợi và một số gia đình ứng cử viên đang loay hoay tìm cách trúng cử trưởng thôn.

Tôi cố thử cắt nghĩa sự thiếu hút khách của hai phim về nông thôn gần đây. Sở dĩ các phim về nông thôn trước có sự hấp dẫn đối với khán giả chính là vì câu chuyện các tác giả kể đã phản ảnh đúng hiện thực trung tâm sống còn mà nông thôn đang diễn ra và đang được người xem quan tâm.

Trong khi hiện nay mâu thuẫn lớn nhất, vấn đề đáng được quan tâm nhất của hầu hết làng quê Việt Nam là bi kịch của người nông dân bị mất đất bị đẩy đến tình trạng thất nghiệp trên chính mảnh đất của mình. Là sự băng hoại của đạo đức, tình làng nghĩa xóm, là sự biến đổi theo chiều hướng nguy hại của môi trường… thì lại không được phản ảnh trong phim “Bão qua làng”.

Tôi có cảm giác, các nhà làm phim với cách nhìn có phần chủ quan và suy đoán lại đưa một tình trạng, mâu thuẫn không mấy điển hình, không mấy phổ biến lên làm sự kiện trung tâm. Chính vì sự cá biệt đó, mà “Bão qua làng” không có được hiện thực phong phú để mô tả, phản ảnh và giải quyết câu chuyện.

Ở tập 9 chẳng hạn, việc cố gắng để trúng cử trưởng thôn của mấy gia đình vẫn chỉ là biến tấu loanh quanh của những tập trước khi máy quay chuyển từ gia đình bố con Nguyễn Phất Lộc qua nhà Quất, rồi nhà vợ chồng Thu… nên các diễn viên cũng không đủ sức tung hoành các ngón nghề mà thay vào đó là những kỹ xảo diễn kiểu như Công Lý diễn đi diễn lại hành động tập võ. Cách phát âm của Quang Thắng tù túng vẫn không thoát lối thoại khi anh làm quảng cáo. Một ông già nông dân (NSƯT Trần Hạnh) giấu điện thoại của con rồi cũng chả để làm gì, rồi ông lại nói “Khéo tao tăng xông mất”, ngôn ngữ nghe không giống nông dân.

Bà Hoàng Thị Minh (Khu Mỹ Đình 2, Nam Từ Liêm, Hà Nội): Phản ánh chân thực đổi mới tại nông thôn



Nhà văn Nguyễn Hiếu
 
Theo tôi, phim truyền hình muốn hấp dẫn người xem thì mỗi tập nên có một sự kiện từ cách đặt ra đến khi giải quyết. Trong khi mỗi tập ở “Bão qua làng” gần như chỉ là một phóng sự kể về sinh hoạt ở làng quê…  

 

Là một khán giả lớn tuổi thường xuyên xem phim trên truyền hình, đặc biệt tôi rất thích xem phim về đề tài nông thôn, bởi ở đó tôi cảm nhận được sự gần gũi, thân thương và rất Việt Nam.

“Bão qua làng” vừa chiếu đến tập 10, chưa biết kết thúc câu chuyện ra sao, nhưng tôi thấy đây là một câu chuyện hay, phản ánh đúng, chân thực, muôn màu cuộc sống của làng quê Việt Nam trong thời kỳ đổi mới. Sự phát triển của những mô hình làm kinh tế mới, những con người, những nhân tố tích cực được đan xen với suy nghĩ, tính toán của một vài cá nhân, tìm chỗ đứng cao hơn người khác, tìm chút lợi lộc cho gia tộc mình.

Hay như những người lãnh đạo, đứng ở vị trí chủ chốt của làng, xã lại lợi dụng chức quyền, lợi dụng chủ trương phát triển nông thôn để xoay xở tư lợi. Tôi cũng rất thích bộ phim này, bởi họ đã có một dàn diễn viên tốt, diễn xuất hay.

 

Ông Hoàng Văn Nghĩa (thôn Văn Mỹ, xã Hoàng Văn Thụ, Chương Mỹ, Hà Nội): Lan man, thiếu tính hấp dẫn

Sau khi xem xong mấy tập đầu “Bão qua làng”, tôi thấy bộ phim đã phản ánh được một phần nhỏ cuộc sống người nông dân qua việc thông báo thu hồi đất đang canh tác với mô hình vườn - ao - chuồng.

Tuy nhiên việc bầu trưởng thôn trong phim được nói đến là do chi bộ Đảng yêu cầu dân bầu là không đúng với việc bầu cử được diễn ra tại nông thôn, mà có vẻ mang tính hình thức. Ngoài ra phim quá lan man, khi đã chiếu đến tập 9, nhưng cũng vẫn chỉ xoay quanh việc vận động bầu trưởng thôn.

Nhà văn Trần Thị Trường: Xúc động với những cảnh quay mộc mạc

Tôi thấy, bộ phim “Bão qua làng” hấp dẫn, bởi sự mộc mạc, chân thực trong những cảnh quay khiến những người xa quê đã lâu thấy nôn nao nỗi nhớ. Cốt truyện gần với thực tế không quá cường điệu lên gân, nhiều tính thời sự, và cách giải mã những vấn đề khiến cho những người trong cuộc là nông dân có cảm giác được chia sẻ. Những bức xúc xã hội đang được đặt ra một cách công khai, minh chứng cho nhu cầu “khát vọng của dân thường” phải được cất tiếng…

“Bão qua làng” cho thấy một nông thôn Việt đang trên đường đổi mới, mang lại không ít lợi ích thiết thực cho đời sống bình dị của họ, nhưng cũng gắn liền với những hệ lụy, gây đau khổ cho một bộ phận qua những vấn đề thu hồi đất đai, những hủ tục biến mất thay vào đó những cái mới còn chập chững chưa thành hình… thậm chí lại hiệu ứng ngược dẫn đến tha hóa…

Ngoài ra, tôi thích bộ phim bởi, các vai diễn để lại ấn tượng cho người xem vẫn là những tên tuổi quen thuộc. Tuy còn một số vai diễn chưa đạt, nhạt nhẽo từ câu thoại đến cách diễn khiến cho bộ phim kém đi sự hấp dẫn.