Tích cực “vào cuộc”…
Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 67, Ngân hàng Nhà nước đã khẩn trương xây dựng Thông tư hướng dẫn việc thực hiện chính sách tín dụng theo nghị định. Trên cơ sở văn bản hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước, các NHTM cũng đã tích cực xây dựng kế hoạch triển khai và bố trí nguồn vốn thực hiện.
Theo Nghị định 67 và Thông tư 22 của Ngân hàng Nhà nước, các NHTM được cho các chủ tàu vay vốn để đặt hàng đóng mới, nâng cấp tàu khai thác hải sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá; cho vay vốn lưu động để khai thác hải sản và cung cấp dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ.
Để tạo điều kiện cho các ngân hàng thực hiện cho vay theo Nghị định 67, Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư 114 hướng dẫn cấp bù lãi suất thực hiện chính sách tín dụng theo Nghị định số 67 của Chính phủ. Theo thông tư này, chỉ các khoản cho vay đóng tàu mới hoặc nâng cấp tàu hiện có của ngư dân mới được ngân sách cấp bù lãi suất.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, theo Thông tư 114, đối với năm đầu tiên, tính từ ngày ký hợp đồng tín dụng, chủ tàu được miễn lãi, và mức lãi suất cấp bù là 7% một năm. Đối với năm thứ 2 trở đi, mức lãi suất cấp bù là chênh lệch giữa lãi suất ngân hàng thương mại cho vay và lãi suất chủ tàu phải trả theo quy định. Trường hợp Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm lãi suất cho vay thấp hơn 7% thì mức lãi suất cấp bù là lãi suất do cơ quan này công bố. Ngân hàng cho vay mua tàu cũ không được cấp bù lãi suất…
Thực tế, các ngân hàng đều đánh giá, Thông tư 114 của Bộ Tài chính là khá tốt, đảm bảo các ngân hàng “không quá bị thiệt thòi” khi cho vay một lĩnh vực sản xuất đầy rủi ro là ngành đánh bắt thủy sản xa bờ.
Vẫn phải thận trọng…
Thực tế, dù được hỗ trợ lãi suất vay vốn tới 4-6% trong suốt 11 năm, song các ngân hàng đều cho biết, việc cho vay vẫn phải rất thận trọng, kỹ càng để việc cho vay đem lại hiệu quả thực sự. Các ngân hàng đều đánh giá: Về cơ bản trong hướng dẫn, các quy định về điều kiện, đối tượng được vay vốn đóng mới, nâng cấp tàu hải sản xa bờ và tàu dịch vụ hậu cần, mức vay, lãi vay cũng như thời gian vay và phương thức xử lý khi xuất hiện rủi ro bám rất sát các quy định trong Nghị định 67.
Điều này phần nào cho thấy, các quy định của nghị định được nghiên cứu, soạn thảo hết sức kỹ lưỡng và chi tiết trước khi ban hành. Tuy nhiên, các NHTM vẫn sẽ phải cần thêm thời gian cho việc xây dựng các quy định nội bộ hướng dẫn cho vay, theo đúng yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước tại Điều 9 của Thông tư 22.
Đại diện một NHTM cho biết, để đảm bảo sự an toàn về nguồn vốn cho vay, các ngân hàng cũng sẽ phải xem xét, hướng dẫn kỹ lưỡng khi thực hiện cho vay theo Nghị định 67. Các quy định đưa ra đảm bảo nhanh gọn, đơn giản song các điều kiện, hồ sơ, quy trình thẩm định cho vay sẽ không thể được nới lỏng một cách quá mức.
Các ngân hàng cho biết, họ sẽ chỉ cho vay vốn đối với các chủ tàu có phương án vay vốn được thẩm định có hiệu quả và khả thi. Bởi thực tế, các ngân hàng khi cho vay vốn sẽ vẫn phải gánh chịu rủi ro và thu hồi nợ dù được Nhà nước cấp bù lãi suất với mức 4-6%/năm và các chủ tàu chỉ cần trả phần lãi suất 1-3% còn lại.