Dân Việt

"Đưa cả bầy sư tử đá thành công viên cho ai thích cưỡi thì tùy"

26/08/2014 11:39 GMT+7
“Tôi cho rằng phải tiêu hủy, hoặc cách nào khác. Đưa cả bầy sư tử đá thành công viên cho ai cưỡi, ai chơi thì tùy”, ông Trần Hữu Sơn, Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Lào Cai đề xuất.
Vật lạ bắt đầu rời di tích


Liên hệ với sư trụ trì Thích Đàm Hướng của chùa Gia Quất (Long Biên, Hà Nội), chưa kịp hỏi đã nghe trả lời: “Tôi dẹp hết rồi”. Đấy là nói đến đôi sư tử đá Trung Quốc, mà nhà chùa cho là con nghê, án ngữ tại cổng chùa. Sau buổi thanh tra sáng 22.8, nhà chùa gọi gia đình cung tiến mang đi ngay như lời hứa.

img Đôi sư tử này đã rời khỏi di tích sau khi Bộ thanh tra. Ảnh: T.Toan

 

Còn những lộc bình, đèn nhấp nháy, hòm công đức bằng khung nhôm kính? “Tôi cũng dẹp hết rồi, những cái này đơn giản thôi mà”, sư Thích Đàm Hướng nói. Theo lời khuyên của bà Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL, những đồ cung tiến không thuộc về di tích, nhà chùa nên cất giữ ở kho, hoặc nhà lưu niệm.

Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Lào Cai cho biết, sau khi nhận được văn bản của Bộ, Sở giao cho Phòng Di sản kiểm tra, thống kê có kết quả sẽ để thanh tra dẹp hết. “Chúng tôi cũng kiểm tra đền Bảo Hà, không thấy sư tử đá hay các đồ thờ cúng không đúng thuần phong mỹ tục. Tuy nhiên, có tượng Phật lạ, rồi hổ gầm ở đền Thượng, chúng tôi cũng yêu cầu bỏ ra rồi”, ông Sơn nói.

Đại diện Sở VH-TT&DL Lào Cai nói thêm, nguyên tắc của Sở: Cái gì là hiện vật của di tích cũ thì phải bảo vệ, cái gì không thuộc di tích thì bỏ ra, chứ không nói hiện vật lạ hay không: “Di tích có giá trị đặc thù riêng. Đưa cái xa lạ vào, dù là linh vật nước ngoài hay vùng quê nào đó cũng làm giảm giá trị khoa học của di tích. Đi khắp trong nam ngoài bắc thấy đâu cũng sư tử đá, giống nhau hết thật chẳng ra sao”.

Thực tế, nhiều di tích thất thoát khá nhiều cổ vật theo thời gian, trộm cắp, thiên tai, hỏa hoạn. Như đền Phù Đổng (Gia Lâm), BQL gật đầu rất nhanh trước sự cung tiến bộ ngựa sắt, áo giáp sắt, roi sắt. “Bổ sung phải có hội thảo khoa học, xem di tích đó thờ ai, xây thời nào, linh vật là thời Lý, Trần, Lê hay Nguyễn chứ không phải đem râu ông nọ cắm cằm bà kia”, ông Sơn nói.

Quan chức phải gương mẫu

Hỏi trụ trì chùa Gia Quất, nếu sau này người dân vẫn cung tiến, nhà chùa có nhận? “Cái gì hợp tôi mới chấp nhận, còn không thì thôi chứ”.

Lãnh đạo Bộ VH-TT&DL sau khi kiểm tra cũng khuyên, nhà chùa nên vận động người dân, nếu có lòng thì cung tiến theo cách khác: đảo lại mái, thay cấu kiện, giúp đỡ nơi thờ tự khác, hoặc công tác xã hội trợ giúp gia đình khó khăn, các cháu mồ côi. “Khi cung tiến họ thành tâm, nếu mình thấy không phù hợp thì chuyển nơi khác. Tôi cho rằng nếu hợp lí, người được cung tiến cũng thoải mái”, bà Liên nói.

Mục tiêu trước mắt vẫn là tuyên truyền, vận động, chưa đến mức xử phạt, cưỡng chế. Không ít người nghi ngại, liệu chiến dịch này của ngành văn hóa có khả thi? “Quyết tâm thì có thể. Vì không phải người dân nghèo tặng hiện vật mà chỉ quan chức, nhà doanh nghiệp nhiều tiền mới thể hiện ở đấy. Quan chức phải gương mẫu. Anh nhiều tiền của, công đức bằng cách khác, không phải bằng hiện vật như sư tử đá.

Chỗ nào cũng cung tiến, mà sư tử đá xấu như thế, hỏng cả di tích”, ông Trần Hữu Sơn nói.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Trần Hậu Yên Thế kể, cách đây vài năm, khi anh thực hiện công trình nghiên cứu tại đền thờ vua Đinh vua Lê (Ninh Bình), các chuyên gia nhận thấy Ninh Bình là một trong những lò lớn sản xuất sư tử đá dập khuôn của Trung Quốc. Mỗi xưởng chế tác có thể làm ra vài chục cặp sư tử đá trong một tháng. Tương tự ở làng mỹ nghệ Non Nước, Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng. Phần đông người tiêu thụ có tiền, thích hoành tráng.

GS Trần Lâm Biền lạc quan, đương nhiên dần dần sẽ đưa ra hết những hiện vật không nằm trong hồ sơ. Liệu trình độ của nghệ nhân ta có chế tác được những mẫu linh vật Việt mà Bộ mới công bố mang tính chất tham khảo? “Ôi giời, thừa sức. Mà những con lân, con nghê của mình đẹp hơn nhiều, không gồ ghề, gai góc, đe dọa như sư tử đá Trung Quốc”, GS Biền nói.

Trong cuộc thanh tra cuối tuần qua, một cán bộ văn hóa thông tin của quận Hà Đông nêu câu hỏi, chưa biết xử lý ra sao với số hiện vật lạ đưa khỏi di tích. Đôi sư tử đá ở chùa Gia Quất, theo nhà chùa được gia đình cung tiến “mang về cơ quan họ”.

“Tôi cho rằng phải tiêu hủy, hoặc cách nào khác. Đưa cả bầy sư tử đá thành công viên cho ai cưỡi, ai chơi thì tùy”, ông Sơn đề xuất. Hà Nội, TPHCM có thể là hai nơi có nhiều sư tử đá “sinh sống” nhất. Việc xây hẳn nhà kho để lưu giữ, với các quận nội thành thật khó khả thi.

 “Hà Nội thì khó thật, chứ tỉnh tôi đồi đầy ra đấy”, ông Sơn nói. Một nhà nghiên cứu cũng cho rằng, nên tập hợp hết đám sư tử đá đấy lại ở một địa điểm, để nhìn vào đó mà cay đắng, rút kinh nghiệm.

Chiến dịch dẹp loạn sư tử đá trước hết thực hiện ở các di tích, còn các công sở là chuyện lâu dài. Một nhà quản lý văn hóa cho rằng, điều này dựa vào quy định văn minh nơi công sở của Bộ Nội vụ. Tuy nhiên, việc này có thể được điều chỉnh bằng văn hóa, trả lại sự lành mạnh của văn hóa Việt.