Lúc bị bắt oan, Trọng đang học lớp 7, gần 6 năm sau khi được thả Trọng đã là một thanh niên 19 tuổi, tương lai xa mù. “Em không còn thực hiện được ước mơ học để trở thành một kỹ sư giúp gia đình thoát nghèo” – Trọng nói trong niềm đau xót.
Nhận tội vì bị… “ép” cung
Theo hồ sơ vụ án, vào khoảng 18 giờ ngày 5.11.2008, Tô Phương Trọng bị nghi hiếp dâm cháu Nguyễn Ngọc H (5 tuổi, ngụ cùng địa phương). Cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau vào cuộc điều tra, chỉ 5 ngày sau Trọng bị bắt tạm giam suốt 3 năm, 7 tháng để điều tra, xét xử. Thời điểm đó, Trọng mới 14 tuổi 3 tháng, học lớp 7 Trường THCS Hiệp Bình, xã Tân Đức, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau. Đến ngày 18.6.2010, TAND tỉnh Cà Mau xử sơ thẩm, tuyên Trọng 6 năm tù về tội hiếp dâm trẻ em.
Tuy nghèo, không biết nhiều về luật pháp ở thời điểm đó, nhưng Trọng nghĩ mình không có tội nên em đã chống án, TAND Tối cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm, hủy án sơ thẩm yêu cầu điều tra lại. Ngày 30.7.2013, TAND tỉnh Cà Mau xét xử sơ thẩm lần 2, tuyên Trọng không phạm tội “Hiếp dâm trẻ em”. Đến ngày 13.5.2014, TAND Tối cao tại TP.HCM xử phúc thẩm, tuyên y án sơ thẩm.
Nói về hoàn cảnh của Trọng, một người dân địa phương chua chát: “Trọng là một đứa con có hiếu, biết lễ phép với bà con cô bác. Nó là một học sinh nghèo, đang học lớp 7, phải bỏ học vì vướng vòng lao lý như vậy thì quá tội nghiệp”
Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau khi bị bắt giam, truy tố, xét xử, Trọng luôn một mực kêu oan, tố bị dụ cung, ép cung. Trọng khẳng định: “Trước 2 bản khai nhận tội và lời khai có hiếp dâm bé H trước đây của em là do cán bộ điều tra hướng dẫn khai và hứa nếu chịu nghe theo thì được cho về nhà. Lúc mọi người nói em hiếp dâm H, em chỉ rủ cháu H đi ra sau bưu điện để bẻ trái cau cho H chơi mà thôi”.
Trong một tình tiết khác có liên quan đến vụ án của Trọng. Khi xét xử, HĐXX đặc biệt quan tâm đến việc Trọng phủ nhận tội của mình sau khi đã ký vào 2 bản lời khai. Bởi hồ sơ vụ án thể hiện khi không có đại diện gia đình hoặc không có luật sư chứng kiến, Trọng khai đã dụ bé H vào bưu điện để cướp đôi bông tai bằng vàng, khi lại khai để hiếp dâm. Nhưng khi có mẹ ruột và luật sư, Trọng lại khai chỉ rủ cháu H đi hái cau.
Mặc khác, lúc bị quy kết thực hiện hành vi phạm tội, bị cáo chỉ mới hơn 14 tuổi, nên theo pháp luật quy định, khi lấy lời khai và hỏi cung phải có đại diện gia đình bị can. Thế nhưng 2 bản nhận tội do Trọng viết và ký tên không có người đại diện gia đình chứng kiến.
Tại tòa, Trọng phủ nhận 2 tờ nhận tội này và cho rằng do cán bộ điều tra hướng dẫn. Bảy bút lục khác thể hiện khi lấy lời khai bị can không có đại diện gia đình Trọng chứng kiến hoặc sai về thủ tục hỏi cung khác. Ngoài ra, tòa cho rằng kết quả giám định không đảm bảo tính khách quan và cũng không đủ căn cứ để chứng minh việc cháu H bị hiếp dâm.
Trọng là con thứ 8 trong 9 người con của ông Tô Văn Phước và bà Lê Thị Nương. Khi hay tin con bị bắt giam, căn bệnh thần kinh của ông Phước trầm trọng hơn, rồi chết. Bà Nương thì tái phát bệnh tai biến. Các anh chị em của Trọng đều nghèo khó, đi làm mướn nuôi thân.
Nói về nỗi oan của em mình, anh Tô Trường An (36 tuổi, anh thứ ba của Trọng) nói trong nước mắt: “Gia đình chúng tôi nghèo khó, tài sản của gia đình duy nhất chỉ có 5 công đất nuôi tôm. Lúc Trọng ở tù, tôi canh tác 5 công đất này để nuôi mẹ, bây giờ thằng Trọng trắng án về nhà, chúng tôi thống nhất giao lại hết cho nó làm kế sinh nhai”.
Nằm trên giường bệnh, bà Nương (60 tuổi), chỉ biết khóc khi hay tin con trắng án. Từ ngày con trai vào tù, bà khóc đã thành quen. Mấy ngày nay, bệnh tình có thuyên giảm, bà đã trở lại Đầm Dơi tiếp tục với nghề bán bánh chuối chiên để kiếm tiền nuôi con trong thời gian Trọng đang thất nghiệp. Điều khiến chúng tôi băn khoăn nhất là việc khi Trọng bị khép tội hiếp dâm cháu Nguyễn Ngọc H (5 tuổi) và bị bắt tạm giam, Trọng mới 14 tuổi 3 tháng, phải bỏ học khi mới học xong lớp 7. Nay dù đã được minh oan nhưng ở tuổi 20 em đang rất khó khăn để làm lại cuộc đời.
“Em đến nhiều nơi xin làm mướn, người ta gọi thằng mới ra tù nên không nhận. Em mong sớm nhận được bản án để đủ thủ tục làm giấy CMND đi xin việc làm nuôi mẹ và làm căn cứ yêu cầu bồi thường oan sai” - Trọng buồn bã.