UBND TP.Hà Nội mới đây đã có công văn yêu cầu UBND quận Ba Đình khẩn trương di chuyển các hộ gia đình, cá nhân ra khỏi đơn nguyên III, nhà C8, khu tập thể Giảng Võ (Ba Đình, Hà Nội) bởi khu tập thể cũ này được xác định là nhà nguy hiểm cấp độ D, có nguy cơ đổ sập. Đây là văn bản thứ hai UBND TP.Hà Nội ban hành, yêu cầu cơ quan hành chính cấp dưới thực hiện việc di chuyển các hộ dân ở đơn nguyên III ra khỏi khu nhà.
Khu đơn nguyên III, nhà C8, khu tập thể Giảng Võ được xác định nguy hiểm cấp độ D, có nguy cơ đổ sập. Tuy nhiên, các hộ dân sống ở đây vẫn chưa chịu di dời dù TP.Hà Nội đã có yêu cầu.
Ông Hoàng Văn Nhâm (ở khu đơn nguyên III), nguyên Tổ trưởng tổ 39 – C8, phường Giảng Võ cho biết: Vào tháng 9.2013, UBND TP có quyết định 5374/QĐ-UBND yêu cầu các hộ ở đơn nguyên III di chuyển khỏi khu nhà. Tuy nhiên, theo ông Nhâm, việc đánh giá hiện trạng ngôi nhà của các cán bộ Viện Công nghệ và Kinh tế xây dựng Hà Nội trước đó vào tháng 6.2013 là không khách quan, chính xác.
“Vào tháng 6.2013, đoàn cán bộ của Viện Công nghệ và Kinh tế xây dựng Hà Nội tới để kiểm tra đánh giá hiện trạng ngôi nhà. Hôm đó, tôi may mắn được cùng ông Nguyễn Văn Bảo (Phó Chủ tịch phường Giảng Võ) có mặt để làm việc ngay tại ban quản lý nhà. Họ đến làm việc không mang theo máy móc thiết và công nhân kỹ thuật lành nghề gì cả. Họ chỉ quan sát cầu thang sau đó đánh giá ngôi nhà nguy hiểm cấp độ D. Việc dựa trên mắt thường như vậy là không khách quan và chính xác”, ông Nhâm cho biết.
Ông Hoàng Văn Nhâm, nguyên Tổ trưởng tổ 39 – C8, phường Giảng Võ trao đổi với PV.
Theo ông Nhâm, ngoài việc cho rằng kết quả đánh giá hiện trạng ngôi nhà chưa khách quan, còn nhiều lý do khiến ông và các hộ dân ở đơn nguyên III, C8 không đồng ý di chuyển theo quyết định của UBND TP.Hà Nôi.
“Sau quyết định của UBND TP.Hà Nội, chúng tôi đã có đơn khiếu nại, kiến nghị gửi UBND thành phố. Trong đơn, chúng tôi nói rõ, thứ nhất, văn bản đánh giá chất lượng khu nhà là không chính xác. Để có đánh giá khách quan, chính xác, chúng tôi đề nghị thẩm định bởi một cơ quan tư vấn độc lập do Bộ Xây dựng chỉ định. Thứ hai, trong quyết định 5374/QĐ-UBND của UBND thành phố chỉ yêu cầu cơ quan hành chính cấp dưới của mình thực hiện việc việc di chuyển xuống nhà NO6, khu đô thị mới Pháp Vân mà không đề cập đến phương án cải tạo toàn bộ đơn nguyên III, C8 Giảng Võ để tái định cư tại chỗ đối với các hộ dân đang sinh sống tại khu nhà. Chúng tôi kiến nghị với UBND TP.Hà Nội cần thống nhất phương án và lộ trình cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư C8 Giảng Võ để tái định cư tại chỗ với các hộ dân đang sinh sống. Công khai minh bạch thời gian, tiến độ, quy mô công trình, cơ chế chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư để nhân dân biết”, ông Nhâm nói.
Theo một số hộ dân sống đơn nguyên III, từ khi ban quản lý khu nhà gia cố khu vực cầu thang đơn nguyên III bằng khung thép từ tầng 1 đến tầng 5 vào tháng 7.2013 đến nay đã trải qua hai mùa mưa bão nhưng vẫn chưa thấy có dấu nhà bị lún, nứt, gãy…, các hộ vẫn thấy cuộc sống an toàn. Họ còn lo ngại việc di chuyển đến địa điểm mới sẽ làm cuộc sống của họ bị đảo lộn.
Cầu thang vào khu đơn nguyên III được ban quản lý nhà C8 xây dựng hệ thống khung thép để gia cố.
“Tôi ở đây từ năm 1976, đến giờ không có chuyện gì bất ổn cả. Bây giờ chúng tôi mà di chuyển thì cuộc sống không biết sẽ thế nào. Đơn giản, nếu nhà tôi chuyển xuống khu đô thị ở Pháp Vân thì con tôi phải dậy từ rạng sáng để đi làm, các cháu học ở đâu, đi vào đây học thì xa. Còn tôi già, 80 tuổi, bệnh tật nên phải tới bệnh viện thường xuyên, chuyển đến ở xa trung tâm thế tôi đi thế nào. Ngoài ra, tôi được biết, khu nhà ở khu đô thị mới Pháp Vân thiếu nhiều dịch vụ phục vụ sinh hoạt, bệnh viện không có, chợ búa thì xa…”, bà Nghiêm Thị Duyện (ở nhà 215, C8, khu tập thể Giảng Võ) cho hay.
Chính quyền nói gì?
Trao đổi với PV Dân Việt về việc di chuyển dân ở đơn nguyên III, ông Nguyễn Văn Bảo – Phó Chủ tịch phường Giảng Võ cho biết: Quyết định di dời các hộ dân tại đơn nguyên III, nhà C8, khu tập thể Giảng Võ đã được UBND TP.Hà Nội ban hành từ tháng 9.2013. Mới đây, ngày 12.6.2014, UBND thành phố có văn bản số 3492, tiếp tục yêu cầu quận Ba Đình thực hiện việc di chuyển các hộ dân sống tại đơn nguyên III, nhà C8. Thông báo này được đưa ra sau khi quận Ba Đình có báo cáo về việc triển khai thực hiện quyết định 5374/QĐ-UBND của UBND TP.Hà Nội gặp một số khó khăn, vướng mắc.
Các hộ dân ở đơn nguyên III kiến nghị UBND TP.Hà Nội nêu rõ về phương án tái định cư tại chỗ sau khi di chuyển.
Theo tìm hiểu của PV, trong văn bản số 3492 do UBND TP.Hà Nội ban hành ngày 12.6.2014, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đã có ý kiến chỉ đạo: UBND quận Ba Đình thực hiện việc di chuyển hộ dân sống tại đơn nguyên III, khu nhà có nguy cơ đổ sâp để đảm bảo tính mạng và tài sản. Ông Hùng cũng giao Sở Xây dựng khẩn trương kiểm tra, rà soát hồ sơ, thực tế triển khai, nghiên cứu ý kiến của UBND quận Ba Đình và báo cáo UBND thành phố.
Theo ông Bảo, sau khi nhận được quyết định và chỉ đạo của UBND TP.Hà Nội và quận, phường đã triển khai, quán triệt, vận động các hộ dân ở đơn nguyên III di chuyển. Theo đó, UBND phường đã tổ chức hai hội nghị bao gồm tất cả hệ thống chính trị, đoàn thể để phổ biến tinh thần chỉ đạo của UBND thành phố, đồng thời lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của người dân. Tuy nhiên, các hộ dân ở đơn nguyên III không chấp thuận quyết định của thành phố và nêu nhiều kiến nghị.
“Trong các cuộc họp, các hộ dân đơn nguyên III đưa ra nhiều thắc mắc, kiến nghị. Theo ý kiến của các hộ dân, thứ nhất, họ kiến nghị giám định lại chất lượng của đơn nguyên III. Thứ hai, họ đặt câu hỏi tại sao chỉ bắt các hộ ở đơn nguyên III di chuyển khỏi khu nhà mà các hộ ở đơn nguyên I, đơn nguyên II không phải di chuyển? Tòa nhà C8 là một khối, nếu đơn nguyên III sập thì đơn nguyên I và II sẽ không bị sập theo? Thứ ba là họ không biết nếu chuyển đi thì khi nào được quay trở lại. Vấn đề tiếp theo là cơ chế chính sách tạm cư, tái định cư phải cụ thể. Chủ đầu tư sửa nhà là ai? Bao giờ sửa xong? Bao giờ họ được về?... Sau khi tiếp nhận nguyện vọng của người dân, UBND phường Giảng Võ cũng đề nghị UBND quận, thành phố trả lời người dân và giải đáp thắc mắc, tạo niềm tin cho người dân để việc di dời được thuận lợi”, ông Bảo nhấn mạnh.