Nguồn vốn không đủ xây hạ tầng
Thực hiện Quyết định (số 33/2007/QĐ-TTg ngày 5.3.2007) của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ di dân thực hiện ĐCĐC, từ năm 2008 đến nay, tỉnh Bình Định đã có 4 địa điểm ĐCĐC được xây dựng hoàn thành, bố trí cho 720 hộ có chỗ ở ổn định; đồng thời bố trí tái định cư xen ghép tại các khu dân cư tập trung cho 536 hộ. Từ đó đến nay, tổng nguồn kinh phí thực hiện công tác ĐCĐC cho vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh là hơn 57,5 tỷ đồng. Các chính sách hỗ trợ xây dựng nhà ở, phát triển sản xuất, giáo dục, y tế... cũng đồng bộ được triển khai... Tuy nhiên, theo đánh giá, qua thực hiện chính sách ĐCĐC tại vùng DTTS trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn. Đáng chú ý là nguồn vốn đầu tư để thực hiện các dự án ĐCĐC tập trung của Trung ương hỗ trợ hàng năm khá thấp, không đáp ứng đủ nhu cầu xây dựng hạ tầng và khiến địa phương rất bị động trong công tác hỗ trợ xây dựng nhà ở, sinh hoạt cho các hộ dân. Hiện nay, Trung ương quy định mức hỗ trợ 15 triệu đồng/hộ để xây dựng nhà ở, mắc điện sinh hoạt, mua lương thực trong 6 tháng đầu khi di dời đến các địa điểm ĐCĐC; đồng thời, quy định mức hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ để san ủi mặt bằng, tạo nền nhà là chưa phù hợp. Do đặc thù của các vùng dân cư tại các xã miền núi là có độ dốc cao, muốn bố trí một cụm dân cư từ 5-10 hộ phải tổ chức san ủi mặt bằng bằng phương tiện cơ giới, nhưng nếu chỉ hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ thì không đủ chi phí để san nền.
Cần thêm trên 30 tỷ đồng
Tại buổi làm việc với đoàn kiểm tra của Ủy ban Dân tộc về công tác định canh định cư mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - Trần Thị Thu Hà đã đề xuất, kiến nghị cần tăng cường hỗ trợ nguồn vốn giúp tỉnh thực hiện hoàn chỉnh các dự án ĐCĐC trên địa bàn tỉnh. Riêng trong năm 2015, Trung ương cần hỗ trợ tỉnh 30,79 tỷ đồng để thực hiện các dự án ĐCĐC tại làng Cam; xây dựng làng ĐCĐC cho người dân làng Kôm Xôm - xã Canh Liên và làng Suối Diếp - xã Canh Hòa (Vân Canh);...
“Trung ương cũng cần quan tâm hỗ trợ kinh phí để địa phương đầu tư hoàn chỉnh hệ thống cơ sở hạ tầng tại các khu ĐCĐC tập trung; tăng mức hỗ trợ xây dựng nền nhà, nhà ở, hỗ trợ các loại giống cây trồng, vật nuôi, giúp người dân có điều kiện phát triển sản xuất” – bà Trần Thị Thu Hà mong muốn.
Những đề xuất này, theo ông Trịnh Công Khanh - Vụ trưởng Vụ Chính sách dân tộc, Trưởng đoàn kiểm tra Ủy ban Dân tộc, đều rất xác đáng, phù hợp với tình hình thực tế ĐCĐC tại địa phương. Để giúp Bình Định thực hiện tốt chính sách ĐCĐC vùng đồng bào DTTS, phía Ủy ban Dân tộc sẽ sớm có báo cáo trình Chính phủ xem xét, điều chỉnh trong thời gian tới.