Dân Việt

Người cận vệ Bác Hồ - huyền thoại Tạ Đình Đề trong cuộc đời và tác phẩm Lưu Quang Vũ

Ít ai biết rằng, thời gian khó, nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ đã gắn bó với huyền thoại Tạ Đình Đề, cận vệ Bác Hồ. Trong vở kịch “Tôi và chúng ta”, ông đã xây dựng hình ảnh Giám đốc Hoàng Việt, trong đó có một phần cuộc đời của Tạ Đình Đề, cũng từng bị tù tội. 

Dân Việt xin giới thiệu bài viết của PGS - TS Lưu Khánh Thơ - em ruột của Lưu Quang Vũ về câu chuyện chưa tiết lộ này.

Năm 1970 anh trai tôi là nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ rời quân ngũ trở về. Đó là những năm tháng cực kỳ khó khăn trong cuộc sống của anh. Đất nước đang có chiến tranh. Hoàn cảnh của Lưu Quang Vũ gặp nhiều long đong vất vả. Gia đình riêng đổ vỡ, con trai còn nhỏ, công ăn việc làm chưa có. 

Những năm tháng mệt mỏi, cô đơn

Mặc dù có chút tên tuổi, được bạn đọc biết đến với tư cách là tác giả tập thơ Hương cây – Bếp lửa (in chung với Bằng Việt, được Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 1968), nhưng khi đó bằng cấp, nghề nghiệp chuyên môn không có (đang học dở lớp 10 Lưu Quang Vũ xung phong đi bộ đội và được đặc cách tốt nghiệp phổ thông theo quy chế thời chiến) cộng với một vài điều tiếng nên anh không xin được việc làm. Công ăn việc làm ngày đó gắn với đồng lương và chế độ lương thực, tem phiếu là sự sống còn của mỗi người và gia đình họ. Có thể nói, đó là thời điểm thật bi đát. Lưu Quang Vũ mệt mỏi và buồn bã, không chỉ vì phải vật lộn với cơm áo gạo tiền mà còn vì thất vọng và lúng túng trong việc xác định hướng đi và niềm tin vào bản thân mình. Ngày ấy, tuy chưa trưởng thành để hiểu hết những trạng thái phức tạp của tâm hồn con người nhưng tôi cũng cảm nhận phần nào nỗi buồn đau có lúc đến cực đoan của anh qua gương mặt, qua giọng đọc những câu thơ: “Không còn một niềm tin nào để đánh mất / Không còn một thành quách nào để chiếm lĩnh / Không còn người đàn ông nào để trọng / Không còn một người đàn bà nào để yêu / Không còn một tình yêu nào để từ bỏ / Không còn một điếu thuốc nào để đốt lên cho đỡ sợ / Tôi biết làm gì cho hết buổi chiều nay.” Và có những lúc anh đã chạm đến sự bế tắc trong những lời tự thú thật bi quan: “Nhưng giờ đây, một mình / Như kẻ yếu hèn, tôi bỗng khóc / Ngoài kia sông Hồng mênh mông nước xiết / Những đê cao tưởng không gì phá nổi / Bây giờ tan vỡ trong đêm / Tôi còn gì mà đau khổ nữa em?”. Lưu Quang Vũ già hẳn đi. Những lúc cô đơn quá, anh ngồi rít thuốc lào sòng sọc hoặc đi bộ lang thang dọc trên những phố nhỏ của Hà Nội…

imgÔng Tạ Đình Đề thời trẻ (Ảnh tư liệu)
Cha mẹ tôi rất thương và xót xa cho hoàn cảnh của con nhưng cũng không làm gì hơn được. Ông bà đều đang làm việc trong các cơ quan văn nghệ nhưng cũng không xin được việc làm cho anh. Giữa lúc đó như một cơ duyên, bác Vạn Lịch – khi đó là Chánh Văn phòng Tổng cục Đường sắt - bạn của cha tôi, đã giới thiệu Lưu Quang Vũ đến gặp Tạ Đình Đề.
Huyền thoại Tạ Đình Đề không chỉ giúp Lưu Quang Vũ trong lúc thất cơ lỡ vận mà còn là hình mẫu của một con người dám đi trước thời đại và đã phải trả giá cho những hành động của mình.

Tạ Đình Đề nhận Lưu Quang Vũ vào làm ngành đường sắt

Cái tên Tạ Đình Đề từ lâu đã trở nên quen thuộc đối với các thành viên trong gia đình chúng tôi. Bác Vạn Lịch đã kể cho chúng tôi nghe nhiều câu chuyện mang màu sắc ly kỳ huyền thoại về nhân vật này. Thời kỳ năm 1947 – 1949, Tạ Đình Đề là chỉ huy đội biệt động Hà Thành. Ông là người có tài xuất quỷ nhập thần, đã lập nên những chiến công thầm lặng, vô cùng oanh liệt. Tạ Đình Đề đã từng học Trường Võ bị của Tưởng Giới Thạch, được chúng giao nhiệm vụ ám sát Bác Hồ, nhưng rồi được Bác cảm hóa và trở thành người cận vệ trung thành của Bác. Rồi chuyện Tạ Đình Đề tóm gọn tên trùm buôn lậu, có súng ở mạn Cầu Bố; thi bắn súng với sĩ quan Tàu; rồi chuyện Tạ Đình Đề ngăn chặn công an lộng hành, ức hiếp dân… Được sự giới thiệu của bác Vạn Lịch, Lưu Quang Vũ rất háo hức đến Xưởng dụng cụ cao su Đường sắt làm quen với Tạ Đình Đề và được ông nhận vào làm việc. Thời gian làm việc tuy không dài nhưng tính cách, con người, những suy nghĩ và việc làm mới mẻ của Tạ Đình Đề đã để lại những ấn tượng đậm nét trong lòng Lưu Quang Vũ. Và điều quan trọng hơn là chính hình ảnh Tạ Đình Đề đã trở thành nguyên mẫu để Lưu Quang Vũ sáng tạo nên hình ảnh Giám đốc Hoàng Việt trong vở kịch nổi tiếng “Tôi và chúng ta”. Vở diễn đã được Huy chương Vàng tại Hội diễn Sân khấu 1985 và trở thành Hiện tượng sân khấu những năm 80 của thế kỷ trước, với kỷ lục công diễn hơn một tháng liền tại Nhà Văn hóa Lao động thành phố Hồ Chí Minh. Các buổi diễn luôn bị ngắt quãng bởi những tràng vỗ tay hoan hô đầy phấn khích của khán giả. Và còn một điều ít ai biết được là sự ám ảnh về nỗi oan khiên dẫn đến tù tội của Tạ Đình Đề còn là động lực để Lưu Quang Vũ viết nên vở kịch “2.000 ngày oan trái” sau này.

img Vở “Tôi và chúng ta” với nhân vật chính có nguyên mẫu là ông Tạ Đình Đề.  (Ảnh tư liệu)
Tạ Đình Đề đã kể cho TS Dương Thanh Biểu – nguyên Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, người được giao trách nhiệm kiểm sát việc điều tra vụ án Tạ Đình Đề - về thời gian làm việc của Lưu Quang Vũ ở Xưởng dụng cụ cao su Đường sắt như sau: “Nghe giới thiệu, Lưu Quang Vũ đến gặp tôi. Lúc gặp nhau, qua câu chuyện, tôi phần nào đoán biết được đây là con người có kỷ luật, được đào tạo bài bản và từng được tôi luyện trong khó khăn, gian khổ của cuộc đời quân ngũ. Không hiểu có phải một thời mình là quân nhân hay sao mà khi tìm người về làm việc, nghe nói họ là bộ đội phục viên đang tìm công ăn việc làm, tôi đã có thiện cảm ngay. Tôi nhận Lưu Quang Vũ vào làm việc ở đơn vị mình. Qua thời gian sống và làm việc với đơn vị, tôi và Lưu Quang Vũ rất tâm đầu ý hợp. Sau một thời gian làm thợ tại Xưởng dụng cụ cao su Đường sắt, Lưu Quang Vũ có nói với tôi những suy nghĩ của anh về đời sống đang xuống cấp do cơ chế quan liêu, bao cấp sinh ra. Vũ nói sẽ viết kịch để phản ánh đúng hiện thực xã hội. Tôi thấy Vũ là người có năng khiếu, chịu khó, dám nghĩ, dám làm nên hoàn toàn ủng hộ và tạo mọi điều kiện để cậu ấy thực hiện ý định sáng tác của mình. Nhưng, sau đó tôi bị bắt giam để điều tra. Việc sáng tác của Vũ như thế nào tôi cũng không nắm được… Năm 1985, tôi được tha tù, Lưu Quang Vũ có đến thăm và đưa cho tôi xem vở kịch “Tôi và chúng ta”. Vũ nói với tôi rằng, từ khi tôi bị bắt giam thì cậu ta nhận ra sự oan trái, bất công nên cậu ta bắt đầu viết vở kịch này. Cậu ta còn cho tôi biết khi công diễn vở kịch, người xem rất hoan nghênh vì nó đã phản ánh đúng thực tế của đời sống kinh tế xã hội lúc bấy giờ… Lưu Quang Vũ nói rằng, nhờ những tháng ngày sống, làm việc ở Xưởng dụng cụ cao su Đường sắt mà viết được vở kịch này. Tôi đã đọc một lèo kịch bản do Lưu Quang Vũ tặng. Đây thật sự là vở kịch hay. Nó phản ánh cuộc đấu tranh gay gắt giữa một bên là phái tiến bộ và một bên là phái bảo thủ. Trong kịch, cuộc đấu tranh này xảy ra tại Xí nghiệp Thắng lợi. Nhưng đằng sau đó, người đọc, người xem cũng thấy được toàn cảnh xã hội ta lúc bấy giờ. Mục đích của cuộc đấu tranh đó là nhằm thay đổi phương thức quản lý kinh tế, kiên quyết lên án cách quản lý theo tư tưởng bảo thủ, cứng nhắc, lạc hậu, khuyến khích những việc làm táo bạo, mạnh dạn đổi mới, vì lợi ích của người lao động. Càng đọc càng thấy vở kịch “Tôi và chúng ta” của Lưu Quang Vũ thực sự mang tính thời sự nóng hổi và thấm đẫm chất nhân văn sâu sắc. Đọc xong vở kịch, tôi cũng không ngờ mới ngày nào đây Lưu Quang Vũ là người lính hiền lành, ít nói, chăm chỉ, nhiệt huyết mà bây giờ đã trở thành nhà thơ, nhà viết kịch tài ba và nhân hậu.”
img Cố nghệ sĩ Trần Vân vai Hoàng Việt trong vở “Tôi và chúng ta” của Đoàn kịch Hà Nội. (Ảnh tư liệu)
Tạ Đình Đề hai lần vào tù và nhân vật giám đốc Hoàng Việt trong “Tôi và chúng ta”

Lúc mới vào làm việc ở Xưởng dụng cụ cao su Đường sắt, Lưu Quang Vũ được giao nhiệm vụ chấm công, theo dõi khối lượng sản phẩm của công nhân. Đó là thời kỳ quan liêu bao cấp nhưng Tạ Đình Đề đã áp dụng hình thức khoán sản phẩm, khoán công việc đến từng tổ sản xuất, từng người công nhân. Nghĩa là đơn vị của ông không áp dụng hình thức trả lương bình quân như xí nghiệp khác vẫn làm mà trả lương theo sản phẩm. Thời kỳ đó đây là điều vô cùng mới lạ, thậm chí là mạo hiểm. Có thời gian Lưu Quang Vũ chuyển sang làm ở bộ phận sản xuất nhựa, in gia công. Và cuối cùng chuyển sang làm ở bộ phận thi đua và đội văn nghệ của xí nghiệp. Tạ Đình Đề với bản tính nghĩa hiệp, giỏi thu phục nhân tâm, biết tôn trọng những người có tài. Ông đã tạo công ăn việc làm, tạo điều kiện để họ phát huy sở trường của mình. Nhạc sĩ Phan Lạc Hoa cũng có thời là quân của Tạ Đình Đề. Đó cũng là thời điểm thăng hoa trong sáng tác của người nhạc sĩ này với những ca khúc nổi tiếng như “Tàu anh qua núi”, “Tình yêu bên dòng sông quan họ”. 
img Cuốn “Tạ Đình Đề những góc khuất cuộc đời” của TS Dương Thanh Biểu. 
Nhân vật chính – Giám đốc Hoàng Việt trong vở kịch “Tôi và chúng ta” của Lưu Quang Vũ ở hồi cuối cũng bị bắt giam trong sự phẫn nộ và đau đớn của những người công nhân. Phải chăng nó cũng giống với nguyên mẫu ngoài đời. Tạ Đình Đề nhớ lại: “Khi đi qua sân xí nghiệp để lên xe về trại giam, tôi thấy nhiều anh chị em công nhân ra vẫy tay, tạm biệt. Nhiều người sụt sùi, mắt ngấn lệ. Trong đó tôi nhận ra Lưu Quang Vũ, hai mắt đỏ hoe, vừa khóc, vừa giơ tay vẫy vẫy. Tôi nhìn anh em cũng giơ cao tay vẫy từ biệt những đồng nghiệp thân yêu của mình. Tôi tự hỏi: “Không ngờ lo việc làm và đời sống cho anh em lại trở thành tội và bị bắt giam?”. Tạ Đình Đề bị bắt với các tội danh: Tổ chức móc ngoặc, chiếm dụng thiết bị máy móc của Nhà nước đem về sử dụng sai nguyên tắc; Lập quỹ trái phép; tham ô và cố ý làm trái nguyên tắc chế độ kinh tế tài chính, thưởng cho công nhân sai nguyên tắc; Tuyển dụng người vào làm việc một cách tùy tiện, lập ra đội văn công để phục vụ đường sắt trái với quy định của Chính phủ;… Sau gần 2 năm bị tạm giam, Tạ Đình Đề bị đưa ra xét xử từ ngày mùng 7 đến 12.6.1976. Hàng nghìn người dân đứng dưới trời nắng như thiêu đốt để dự phiên tòa. Sau 6 ngày xét xử, Tạ Đình Đề được tuyên bố tha bổng. Không sao tả hết niềm vui của những người đến dự phiên tòa. Ai cũng mong đợi một kết quả có hậu với con người mà họ tin rằng sẽ không bao giờ làm điều xấu, không bao giờ phá nước hại dân. Một con người đã sáng tỏa trong lòng họ bởi những câu chuyện như huyền thoại. Những chiến sĩ cảnh sát trước đây còng tay và giải Tạ Đình Đề từ nhà tù Hỏa Lò bây giờ chính họ lại mở khóa còng và dẹp lối cho Tạ Đình Đề bước ra với đồng nghiệp, bạn bè đang đứng đông nghẹt ở ngoài sân tòa án. Một cảnh tượng thật lạ lùng khi những người thợ ở Xưởng dụng cụ cao su Đường sắt đã công kênh Tạ Đình Đề lên như một vị anh hùng. Tạ Đình Đề đắm chìm trong hạnh phúc vô biên đến ngạt thở sau những năm tháng buồn tủi, uất hận trong trại tạm giam. Không có niềm vui nào lớn hơn khi con người được công lý giải oan. 

Trớ trêu và oan nghiệt thay, 10 năm sau, ngày 29.11.1986, Tạ Đình Đề lại bị truy tố vì tội tuyên truyền chống chế độ xã hội chủ nghĩa. Ở tuổi ngoài 70, một lần nữa ông lại dính vòng lao lý. Sau hơn 2 năm ngồi tù, Tạ Đình Đề được tạm tha. Vụ án Tạ Đình Đề (một vụ kinh tế và một vụ an ninh) đều bị kéo dài và rất phức tạp thu hút sự quan tâm của dư luận và báo chí. Cho đến ngày 8.8.1989 Viện Kiểm sát nhân dân mới ra quyết định đình chỉ điều tra đối với vụ án và yêu cầu cơ quan chủ quản Tổng cục Đường sắt phục hồi, giải quyết quyền lợi hợp pháp cho đương sự.

Huyền thoại Tạ Đình Đề không chỉ giúp Lưu Quang Vũ trong lúc thất cơ lỡ vận mà còn là hình mẫu của một con người đi trước thời đại và đã phải trả giá cho những hành động của mình. Trước mắt tôi còn vẹn nguyên những lời nói, những câu chuyện, những tình cảm của Lưu Quang Vũ đối với Tạ Đình Đề. Khi Tạ Đình Đề dính vào vòng tù tội lần thứ hai, Lưu Quang Vũ đã không còn làm việc dưới quyền ông nữa. Nhưng suốt mấy ngày tòa xử Tạ Đình Đề, anh đều theo dõi. Hôm tòa tuyên bố Tạ Đình Đề vô tội, Lưu Quang Vũ cũng có mặt trong đám đông chào đón ông với rất nhiều hoa và nước mắt. Không phải chỉ sau này, khi Tạ Đình Đề đã được trao tặng Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng và Huân chương Độc lập hạng Ba mà ngay từ thời gian khó, oan nghiệt đó Lưu Quang Vũ đã coi ông là người anh hùng dân gian. 

Năm 1985, Tạ Đình Đề được tha tù, Lưu Quang Vũ có đến thăm và đưa cho ông  xem vở kịch “Tôi và chúng ta”. Vũ nói với ông rằng, từ khi ông bị bắt giam thì Lưu Quang Vũ nhận ra sự oan trái, bất công nên bắt đầu viết vở kịch này. Lưu Quang Vũ còn cho biết khi công diễn vở kịch, người xem rất hoan nghênh vì nó đã phản ánh đúng thực tế của đời sống kinh tế xã hội lúc bấy giờ.