Dân Việt

Nghệ An: Phó chủ tịch xã liên tục khất nợ, dân căng băng rôn... đòi tiền

28/08/2014 15:22 GMT+7
Bức xúc trước hành vi của vợ chồng ông Phượng, các chủ nợ đã treo băng rôn đòi tiền ngay trước cửa hàng của bà Xuân. Chưa đủ, họ còn treo lên cổng chợ của xã, yêu cầu vị Phó chủ tịch xã phải giữ lời hứa trả nợ cho mọi người.

Trong đơn tố cáo gửi cơ quan chức năng, anh Trần Sỹ Thiệp (47 tuổi, xã Nghĩa Thuận, Thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An) cho biết, quen gia đình ông Nguyễn Thanh Phượng, Phó chủ tịch xã Nghĩa Thuận và vợ là Trần Thị Xuân từ những năm 1998 - 2000. Thời điểm này anh Thiệp và ông Phượng cùng công tác ở xã Nghĩa Thuận.

Sau đó, anh Thiệp nghỉ công tác ở xã để đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc và tháng 7.2013 về nước. Trong thời gian này, anh có qua lại nhà ông Phượng chơi và đi uống cà phê với ông này vài lần.

Hai tháng sau, vợ chồng ông Phượng đặt vấn đề vay của anh Thiệp 200 triệu đồng để giải quyết việc đảo nợ tại Quỹ tín dụng nhân dân xã Nghĩa Thuận.

img

Đơn tố cáo của anh Thiệp gửi cơ quan chức năng.

Theo đó, anh Thiệp sẽ trực tiếp mang tiền đến nộp cho Quỹ tín dụng nhằm thanh toán khoản nợ đáo hạn thay cho ông Phượng để ông này làm hợp đồng vay mới (hình thức đảo nợ). Đến sáng ngày 16.9.2013, anh Thiệp nhận lại đủ số tiền 200 triệu, đồng thời cầm thêm một triệu đồng tiền lãi của vợ chồng ông Phượng.

Tiền cầm về chưa kịp cất tủ, ngay trong chiều 16.9, vợ chồng ông Phượng gọi điện thoại tiếp tục hỏi vay anh Thiệp 200 triệu đồng để giải quyết công việc gia đình, hứa sẽ trả với lãi suất 3%/tháng. Anh Thiệp đồng ý cho vay và nói miễn trả đúng hẹn, không cần lấy lãi suất cao.

Tiếp đến, ngày 25.9.2013, vợ chồng ông Phượng lại gọi điện cho anh Thiệp vay 560 triệu đồng để lấy tiền đảo nợ cho người nhà đang vay ở Quỹ tín dụng xã Nghĩa Thuận. Anh Thiệp đã đồng ý cho vay với hình thức như đã làm ở lần đầu tiên.

Với lần vay này, chỉ trong vòng 2 ngày, anh Thiệp đã nhận đủ số tiền gốc và thêm 1 triệu tiền lãi. Tuy nhiên, khi trả tiền vay cho anh Thiệp, bà Xuân xin vay lại 200 triệu đồng do có việc cần, hẹn 10 ngày sau sẽ trả với mức lãi 1.500 đồng/1 triệu/ngày nhưng anh Thiệp chỉ lấy lãi 1000 đồng/1 triệu/ngày.

Cũng trong khoảng thời gian nói trên, bà Xuân vay tiếp của anh Thiệp 300 triệu đồng để đảo nợ cho người thân tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chi nhánh huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An). Không giống như những lần trước, số tiền này bà Xuân đề nghị anh Thiệp đưa trực tiếp cho mình để tự làm thủ tục với Ngân hàng.

img

Không phải duy nhất anh Thiệp chưa lấy được tiền nợ, nhiều người khác cũng đang trong tình cảnh tương tự.

Như vậy, tính đến ngày 30.9.2013, vợ chồng ông Phượng đã vay của anh Thiệp tổng số tiền 700 triệu đồng. Dù đã hứa sẽ thanh toán đầy đủ cả gốc và lãi sau một vài ngày nhưng khi anh Thiệp gọi điện đòi nợ thì vợ chồng ông Phượng liên tục khất lần không chịu trả. Mãi đến ngày 10.10.2013, bà Xuân mới trả cho anh Thiệp được 200 triệu đồng, số tiền còn lại hẹn sẽ trả sau.

Trong khi khoản nợ cũ 500 triệu còn chưa thanh toán hết, ngày 14.10.2013, vợ chồng ông Phượng lại đề nghị anh Thiệp tiếp tục cho vay thêm 200 triệu để đảo nợ ngân hàng. Qua kiểm tra, xác định đúng là vợ chồng ông Phương đang nợ ngân hàng 800 triệu nên anh Thiệp đã đồng ý cho vay mà không nghi ngờ gì.

Đến thời hạn trả nợ, anh Thiệp nhiều lần tới nhà vợ chồng ông Phượng để đòi tiền nhưng hai vợ chồng ông Phượng đều tìm cách né tránh hoặc viện đủ mọi lý do như đang làm thủ tục đảo nợ chưa xong hay tiền đang cho người khác vay chưa lấy về được để trì hoãn trả nợ. Sau nhiều lần đốc thúc, bà Xuân mới trả thêm được cho anh Thiệp 185 triệu đồng (bao gồm cả lãi và gốc), tổng số tiền còn nợ là 530 triệu đồng.

"Thực ra tôi nghĩ ông Phượng là đảng viên, là Phó chủ tịch xã Nghĩa Thuận. Còn bà Xuân buôn bán, có cửa hàng đàng hoàng, gia đình lại có ô tô đi làm, con cái có công ăn việc làm cả nên tôi tin tưởng cho vay", anh Thiệp viết trong đơn.

img

Sáng 24.8, băng rôn của chủ nợ treo trên cổng chợ, yêu cầu vị Phó chủ tịch xã giữ lời hứa trả nợ trong giấy viết tay khi ngày con gái lên xe hoa cận kề.


Treo băng rôn trước cổng chợ yêu cầu Phó chủ tịch xã trả nợ

Ngoài việc vay tiền của anh Thiệp, vợ chồng ông Phương còn vay của rất nhiều người khác. Liên tục bị các chủ nợ đòi tiền, khi ngày cưới con gái đã cận kề, ông Phượng đã phải viết 5 giấy xin khất nợ nhằm "hạ nhiệt", hẹn sau ngày cưới con gái sẽ bán nhà, lấy tiền trả nợ.

Nhiều người là chủ nợ của ông Phượng như chị Bùi Thị Thanh, chị Trần Thị Xuân, chị Nguyễn Thị Lan (đều ở xã Nghĩa Thuận) đang cho ông Phượng vay tổng số tiền là 750 triệu đồng nhưng chưa đòi được đồng nào đã viết đơn thư tố cáo gửi cơ quan chức năng nhờ can thiệp.

Sau khi tiếp nhận đơn thư tố cáo, TAND thị xã Thái Hòa đã ra công văn số 42/TA ngày 27.6.2014 về việc tạm dừng thủ tục chuyển nhượng, thế chấp tài sản của ông Phượng, bà Xuân. Tuy nhiên, 2 tháng trước đó, ngày 24.4.2014 vợ chồng ông Phượng đã "cao tay" sang tên toàn bộ diện tích hơn 300m2 đất cùng căn nhà 2 tầng trên đất cho người khác với giá 3,5 tỷ đồng.

img

Một trong những tờ giấy viết tay của ông Phượng trước ngày con gái về nhà chồng.

Do hợp đồng chuyển nhượng sử dụng đất giữa các bên là hoàn toàn tự nguyện, phù hợp về hình thức, nội dung, được lập tại phòng công chứng theo quy định của pháp luật; bên bán đã giao toàn bộ giấy tờ cho bên nhận chuyển nhượng, còn bên nhận chuyển nhượng cũng đã giao gần đủ số tiền trong hợp đồng nên TAND thị xã Thái Hòa đã phải ban hành công văn hủy công văn số 42/TA nói trên.

Mặc dù nhà đã bán, tiền đã lấy nhưng khi viết tường trình trước Đảng ủy xã, ông Phượng vẫn hứa sẽ... bán nhà trả nợ. Bức xúc trước hành vi của vợ chồng ông Phượng, các chủ nợ đã treo băng rôn đòi tiền ngay trước cửa hàng của bà Xuân. Chưa đủ, họ còn treo lên cổng chợ của xã, yêu cầu vị Phó chủ tịch xã phải giữ lời hứa trả nợ cho mọi người.