Đi đâu cũng thấy rừng ma
Rừng ma ở Tây Bắc vốn là nghĩa địa của người Thái. Đó là những cánh rừng thiêng, cấm kỵ xâm phạm nên thường rất âm u với cây cao bóng cả, không khí lạnh lẽo. Đặc biệt trong rừng ma thường có nhiều nhà mồ được dựng như một ngôi nhà nhỏ, có cắm nhiều loại lọng, ô, cờ, quạt với màu sắc sặc sỡ.
Người Thái trước đây có quan niệm cái chết là sự trở về với cõi vĩnh hằng. Vì vậy sau khi chôn cất, làm nhà mồ, chia của cho người chết là họ lui chân, không bao giờ thăm mộ, thờ cúng nữa. Bởi thế nếu vào rừng ma, bên cạnh những ngôi mộ mới là những ngôi mộ cũ chỉ còn tàn tích với những tre, nứa, vải vóc mục nát, bát đĩa ngả nghiêng, đổ vỡ.
Sau dăm bảy năm, ngôi mộ cũ coi như không tồn tại. Sau một thời gian, chính ngôi mộ cũ ấy lại được chôn cất một người khác. Vì thế mỗi bản làng người Thái ở Tây Bắc đều có một rừng ma riêng và bao đời cũng chẳng cần phải mở rộng về diện tích.
“Với người Thái, rừng ma là cánh rừng thiêng bất khả xâm phạm. Bản nào cũng có rừng ma của riêng mình, rộng thì đến 5-7ha đất, hẹp thì cũng 1-2ha. Nhưng bây giờ quan niệm về rừng ma cũng có những thay đổi”– ông Lò Văn Bân, người cao tuổi bản Tát Ngoãng, xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu (Sơn La) cho hay.
Cũng theo ông Bân thì trước đây vùng Tây Bắc dân cư thưa thớt, nguồn nước sinh hoạt và sản xuất dư dôi, đất ở và đất sản xuất tương đối thoải mái, nên việc hình thành và tồn tại những cánh rừng ma là điều bình thường. Tuy nhiên, thực tế hiện nay việc tồn tại các rừng ma có rất nhiều bất cập.
Nên thay thế bằng nghĩa địa tập trung
Đó là quan điểm của ông Trần Mạnh Hồng- Giám đốc Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Môi trường và Đô thị tỉnh Sơn La. Theo ông Hồng thì mật độ dân cư vùng Tây Bắc ngày nay tăng nhanh, phân bố ở khắp nơi, thậm chí họ sống đan xen với rừng ma, nghĩa địa.
Bởi thế việc duy trì những rừng ma này làm ảnh hưởng tới mỹ quan và môi trường sống, nhất là nguồn nước.
“Đặc biệt người Thái bây giờ cũng chịu ảnh hưởng của miền xuôi, không theo nếp cũ chôn xong rồi quên mà cũng thực hiện thăm mộ, cúng giỗ và thậm chí nhiều hộ xây nhà mồ kiên cố. Điều này lại đặt ra vấn đề phải tăng quỹ đất rừng ma” – ông Hồng phân tích.
Đến với những rừng ma của nhiều bản người Thái ở Quỳnh Nhai, Mộc Châu, Yên Châu… ở Sơn La, quả đúng là bây giờ những cánh rừng ma ngày càng sát dần với những khu dân cư – điều mà chỉ hơn 10 năm trước đây là chuyện khó thấy.
Với hình thức địa táng và nhu cầu sử dụng rừng ma theo quan niệm của dân bản thì nguy cơ nguồn nước ăn bị nhiễm “những thành phần không mong muốn” là điều khó tránh khỏi. Anh Lò Văn Thanh, dân bản Hồi Khôm, xã Noong Lay cho biết: “Cái rừng ma của bản này bị phá hết cây rồi. Tới đây chắc phải quy hoạch một rừng ma mới ở nơi khác thì cái ma và cái người không phải tranh nhau”.
Theo ông Hồng, chỉ giữ lại một số rừng ma ở những nơi có điều kiện về diện tích rừng và không ảnh hưởng xấu đến nguồn nước. Còn lại thì nên quy tập rừng ma vào những nghĩa địa tập trung, như vậy vừa giữ được vệ sinh môi trường, giảm áp lực về quỹ đất, vừa đáp ứng nhu cầu địa táng theo nếp sống mới của người Thái hiện nay.