Dân Việt

Nông thôn vơi nỗi lo “đói” sách: Ước mơ người nông dân có sách

Gia Tưởng (thực hiện) 31/08/2014 10:07 GMT+7
Chương trình “Sách hóa nông thôn” là một trong những hoạt động xã hội hóa, phi lợi nhuận được anh Nguyễn Quang Thạch sáng lập đến nay đã nhân rộng khắp cả nước. Phóng viên NTNN đã có cuộc trò chuyện với anh về hành trình tuy vất vả mà thực sự ý nghĩa này. 

Con đường sách hóa nông thôn của anh với ước mơ là “người nông dân có sách và thời gian đọc đạt chuẩn so với thế giới” để họ không bị nghèo nàn và lạc hậu về mặt tiếp thu tri thức của nhân loại, xuất phát từ động lực nào?

- Như tôi đã chia sẻ nhiều lần trên các phương tiện thông tin đại chúng, ban đầu là do một cú sốc xã hội khi chứng kiến nhiều sinh viên vô cảm trước một người phụ nữ mà tôi đang giúp đỡ. Từ cú sốc đó tôi muốn giải quyết gốc rễ của sự vô cảm là giúp cho tất cả học sinh nông thôn có sách đọc từ nhỏ để hình thành nền tảng nhân văn thiện tâm, hay cách đánh giá các vấn đề một cách khoa học trong mỗi cá thể. Tôi lại có điều kiện tiếp xúc với nhiều nông dân, nhiều công chức nhà nước... Nông dân thì nhiều người kém hiểu biết, thiếu kỹ thuật nhưng họ đôi khi lại thừa thời gian vào những lúc nông nhàn. Công chức có rất nhiều người đã học xong đại học nhưng lại kém về chuyên môn, vô cảm và không ít người chỉ nghĩ cách ăn cắp thời gian và tài sản của Nhà nước. Bởi vậy tôi đã quyết tâm dồn sức lực, trí tuệ vào việc này.

Và anh quyết định bắt đầu từ việc thiết lập một hệ thống thư viện dân sự bên cạnh hệ thống thư viện của Nhà nước vốn rất cách xa khu vực cư dân nông thôn?

- Đúng vậy. Thêm nữa, lượng thông tin về những thứ tồi tệ của xã hội được báo chí đăng tải với liều lượng quá nhiều, mà tôi được nghe và thấy từ lúc 4 tuổi đến lúc 22 tuổi, đã giúp tôi quyết định phải thiết kế ra hệ thống thư viện dân sự, phải làm một “nhà cách mạng” về thư viện, tủ sách dòng họ.

Hệ thống sách hóa nông thôn là một mô hình trong hệ thống đó. Vì chúng ta đã biết, phát huy truyền thống hiếu học được bắt nguồn đầu tiên phải là những gia đình, những dòng họ. Nhiều dòng họ đã có những thiết chế gia phong rõ ràng về khuyến khích đọc sách, điều đó đã tạo nên cốt cách của những người nông dân ở các vùng quê, làm cơ sở và nền tảng để tôi quyết định chọn con đường sách hóa nông thôn.

Hiện nay anh đã gây dựng được bao nhiêu tủ sách dòng họ? Anh đánh giá thế nào về ý nghĩa và hiệu ứng trong xã hội nông thôn từ khi tủ sách dòng họ hình thành và có chỗ đứng trong đời sống nông dân?

- Tủ sách dòng họ là một tủ sách chiến lược nhằm vào tâm lý dòng tộc để chính nó được xây dựng bởi các dòng họ và là mô hình dùng để cảnh báo xã hội về sự thiếu sách dẫn đến chưa có văn hóa đọc. Hiện nay, số tủ sách trên toàn quốc có phần đóng góp và nối kết của tôi đã được hơn 110 tủ với hàng nghìn đầu sách các loại. Nhưng số tủ sách mà do các dòng họ gọi điện hỏi cách làm, số tủ sách do người dân xem báo và truyền hình rồi tự làm thì tôi không thể xác định được, có lẽ nó lớn hơn rất nhiều những gì tôi nghĩ là mình đã làm được.

Tủ sách dòng họ đã làm cho nhiều thành viên dòng họ hành động vì dòng tộc và xóm làng, quan trọng hơn là tủ sách dòng họ đã làm nền tảng thúc đẩy các mô hình tủ sách tôi thiết kế được áp dụng, gồm tủ sách phụ huynh, tủ sách lớp em, tủ sách giáo xứ và tủ sách hậu phương quê hương chiến sĩ. Đặc biệt quan trọng, từ khi tủ sách dòng họ và chương trình “Sách hóa nông thôn” ra đời, nhiều hình thức đưa sách về nông thôn khác đã diễn ra trong xã hội. Đó là những hiệu ứng xã hội mà ai cũng thấy và đặc biệt là bà con nông dân đói sách đã thay đổi cách nhận thức về cách đọc sách của người nông.

Theo ghi nhận của anh, những người nông dân đón nhận tủ sách có dễ dàng không?

- Trước kia rất nhiều người nghĩ đọc sách là một thứ xa xỉ tới mức xa lạ, và họ chỉ quen với mùa vụ, sâu bệnh, chứ họ không quen với chuyện sách vở, con chữ, kiến thức. Nhưng khi chúng tôi đưa sách về đã tạo cho nông dân nơi có những tủ sách đứng chân một sự thay đổi. Đầu tiên là từ con em của họ đang ở tuổi đến trường, không phải bỏ tiền ra mua mà vẫn có sách đọc. Sau đó lan tỏa tới những người nông dân thích tìm hiểu tìm tòi khoa học kỹ thuật văn hóa và cả những câu chuyện 4 phương. Văn hóa đọc nó không đến ào ào, nhưng nó thấm dần và thấm rồi thì sẽ lan tỏa rất vững và rất lâu có thể đi theo đến cuối đời của một con người. Hiện nay tôi thấy rất phí với phong trào xây cổng làng to, nhà thờ họ lớn mà trong đó lại thiếu sách.

Anh có dự định như thế nào về việc duy trì và phát huy những tác dụng của tủ sách nông thôn mà mình đã sáng lập ra?



Anh Nguyễn Quang Thạch
 
 
Hiện nay bình quân mỗi trẻ em ở các nước phát triển đọc 1.200 trang sách mỗi năm hoặc 40 đầu truyện, sách, nhưng chúng ta đang thấp hơn thế giới khoảng 20 lần”.

 
- Sau gần 18 năm cả nghiên cứu lý thuyết và áp dụng thực địa, với 5 mô hình tủ sách và gần 3.000 tủ sách được xây dựng, phục vụ gần 1 triệu lượt mượn sách, tôi đang tiếp tục vận động chính sách ở các cấp để thúc đẩy nhanh tiến trình “Sách hóa nông thôn”. Hiện tại, tôi đang luyện tập để đi bộ xuyên Việt kêu gọi những công dân có trách nhiệm với đất nước đưa sách về quê của họ, kêu gọi các cơ quan quản lý nhà nước đưa ra các tiêu chí để kích thích các dòng họ khuyến học có tủ sách, các trường học có tủ sách ở lớp học, các xứ đạo và các gia đình có chồng là chiến sĩ, vợ là giáo viên làm tủ sách phục vụ cộng đồng.

 

Và tôi có một ước mơ bằng những việc làm của mình, sẽ kích thích được văn hóa chuẩn đọc của người Việt Nam ta theo kịp với chuẩn của quốc tế. Hiện nay bình quân mỗi trẻ em ở các nước phát triển đọc 1.200 trang sách mỗi năm hoặc 40 đầu truyện, sách, nhưng chúng ta đang thấp hơn thế giới khoảng 20 lần. Tôi hy vọng khoảng cách này sẽ được rút ngắn khi con đường sách hóa nông thôn của tôi được nhân rộng và phát huy ở các vùng quê như hiện nay.

Xin cảm ơn anh!