Dân Việt

Đua nhau “lên đời” di sản văn hóa: Tất cả xuất phát từ thói hư danh

Minh Anh (thực hiện) 03/09/2014 07:08 GMT+7
Câu chuyện đua nhau “lên đời” di sản văn hóa đang trở thành trào lưu khó cưỡng lại trong thời gian gần đây cần được lý giải cặn kẽ dưới góc nhìn văn hóa, lịch sử. Phóng viên Dân Việt đã trao đổi với TS sử học Khổng Đức Thiêm.

Thưa ông, việc quá nhiều các địa phương chạy theo danh hiệu, tìm mọi cách để có được danh hiệu cho di sản để rồi sau đó phải đối mặt với hàng loạt những nguy cơ, rắc rối trong công tác bảo tồn và phát triển, dưới góc nhìn của một nhà nghiên cứu sử học, ông đánh giá thế nào?

- Đây có thể nói là xuất phát từ tâm lý và cũng là một cố tật của người Việt Nam là thích cái miếng ở giữa làng. Thích một cái gì nó hư danh, thích một cái gì nó ồn ã.

Do đó, người ta cứ cố dồn tất cả công sức, dồn tất cả tiền của, kể cả trí tuệ, kể cả con người và tìm mọi cách tranh thủ để các công trình, di sản của mình được xếp hạng cao nhất. Thế rồi, muốn vang danh khắp bốn phương trên thế giới chứ không chỉ ở trong nước, trong nội bộ tỉnh. Nhưng giá như cái ý thức ấy gắn liền với sự yêu quý và trân trọng thì rất là đáng giá.

Tuy nhiên, theo tôi nghĩ cái cố tật của người Việt Nam khiến cho không chỉ ở di sản mà rất nhiều thứ khác bị ảnh hưởng. Có những cái đưa vào xếp hạng cũng hết sức vô lý và cái giá trị của nó hình như chưa được đến mức như vậy.

Và tôi ngờ ngợ 1 điều là lâu nay UNESCO cũng có vẻ hạ thấp tiêu chí trong cách đánh giá, trong cách phân loại và hình như việc xếp hạng di sản thế giới có vẻ xô bồ hơn. Nhiều khi người ta cứ cố chạy cho bằng được những di sản ấy để được vinh danh ở tầm thế giới nhưng khi phát huy thì hạn chế vô cùng.

Việc di sản được xếp hạng cũng đồng nghĩa với chuyện sẽ có tiền chi ra để bảo tồn, phát huy giá trị di sản, ông có nghĩ rằng đây cũng là một yếu tố khiến cho “căn bệnh” này càng ngày càng lan rộng?

- Theo tôi việc xếp hạng này không hẳn để ra được một đồng tiền, nó chỉ để lấy thêm tiếng tăm cho địa phương. Vì thế, tôi nghĩ rằng đây là một thứ mà mình cũng phải xem xét và nhất là giới lãnh đạo của ngành văn hóa phải hết sức thận trọng.

Đã là di sản văn hóa thì phải xuất phát từ trí tuệ từng cá nhân con người trong cộng đồng, trong dân tộc. Người ta cảm thấy nó hoàn toàn xứng đáng bởi đó là trí tuệ, đó là công sức, là mồ hôi xương máu, đó cũng có thể là tài năng mà dân tộc khác không đạt được, của cha ông, thiên nhiên đã để lại.

Có một quan điểm- cái gì tiền nhân để lại cũng có thể trở thành di sản văn hóa được-tuy nhiên phải là tinh túy. Có những di sản văn hóa nhưng bây giờ đời sống hiện đại không cần đến nó nữa hoặc nó chỉ là quá vãng, kỷ niệm thôi. Không phải cái gì di sản văn hóa cũng là phải kế thừa, phát huy, phải nhân nó lên.

Thí dụ những di sản về kiến trúc, có khi chỉ là những kỷ niệm bởi với kỹ thuật như bây giờ thì chắc chắn chúng ta sẽ xây dựng hơn hẳn những cái đời xưa để lại. Nó đã là kỷ niệm thì nó là niềm tự hào, do đó chúng ta chỉ giữ gìn chứ không nhất thiết là phải phát huy.

Giữ gìn để người ta có thể hình dung ra được một đất nước thiên nhiên khắc nghiệt, giặc ngoại xâm liên miên, hoàn toàn sống bằng nông nghiệp… nhưng để lại cho hậu thế những giá trị lịch sử, văn hóa vô cùng quý giá.

Như trên ông đã nói đến thói hư danh của người Việt, vậy ở đây có thể thấy thêm những hạn chế trong tầm nhìn của nhà quản lý văn hóa hay không, vì rõ ràng mọi chủ trương đều phải từ trên đưa xuống?

Quan điểm
img
Tiến sĩ sử học Khổng Đức Thiêm
  Tôi nghĩ các di sản được xếp hạng ở những năm 1960 của của Bộ Văn hóa (cũ) là chuẩn. Còn bây giờ thì tràn lan, và các ông quản lý di sản lại vẽ lắm thứ và nhiều danh hiệu quá...  
- Tôi có cảm giác bây giờ nhiều khi đình chùa không được một số nhà quản lý coi nó di sản mà coi nó là đối tượng “moi tiền”, “câu tiền” của Nhà nước. Và khi có đồng tiền rồi thì người ta cố gắng thi công làm sao vượt ra khỏi tất cả mọi quy phạm, kỹ thuật của một di tích.

Làm sao với giá thành rẻ nhất, tiết kiệm nhất, với số tiền đầu tư ít nhất so với tổng số tiền Nhà nước đầu tư cho là thành công chứ không phải là làm sao di sản ấy được chữa tốt nhất, phục hồi giống nguyên trạng nhất.

Đồng tiền bỏ cho công trình ít nhất nhưng lại rơi vào túi của những người có trách nhiệm nhiều nhất. Bởi vì lúc tu bổ công trình không thuộc quyền của người dân. Dân không được quyền dân biết, dân làm và dân kiểm tra.

Tôi tâm niệm cái gì của đình, của chùa, của Nhà nước cho nhưng đã cấp cho đình, cho chùa thì một vệt gỗ cũng không được đụng đến. Ở đây là vấn đề ý thức.

Theo ông, làm sao để chúng ta tránh được “cái họa” lạm phát các danh hiệu di sản?

- Tôi nghĩ các di sản được xếp hạng ở những năm 1960 của của Bộ Văn hóa (cũ) là chuẩn. Còn bây giờ thì tràn lan, và các ông quản lý di sản lại vẽ lắm thứ và nhiều danh hiệu quá.

Và vì nhiều cấp, mà địa phương đó mang đến nhiều hay ít tiền mà di tích đó được thành “cấp cao” hay “cấp thấp”. Một vấn đề nữa là bảo tàng và bảo tồn hiện nay tách biệt và gần như không hỗ trợ nhau nữa. Hà Nội hiện nay có hơn 5.000 di tích nhưng có hơn 4.000 di tích Nhà nước không phải đụng đến.

Bởi vì, người dân đã làm nên được trên 4.000 di tích thì người ta sẵn sàng bảo vệ vì đây là đình, là chùa, là văn chỉ, văn miếu, đền thờ, miếu mạo thì đương nhiên những cái đó là người dân đã góp phần vào tôn tạo.

Chỉ có một vài trăm, thậm chí vài chục công trình phải có sự quan tâm đặc biệt, nếu không đầu tư ngay sẽ mất đi hoặc sẽ có tội với tiền nhân. Nên tập trung vào một số những di sản trọng điểm, cần bảo vệ khẩn cấp, chớ nên làm tràn lan.

Xin cảm ơn ông!